14/12/2023 - 09:26

Argentina công bố biện pháp “sốc” chống siêu lạm phát 

Mở màn cho loạt sáng kiến giải quyết bất ổn kinh tế, chính phủ của tân Tổng thống Argentina Javier Milei mạnh tay phá giá đồng nội tệ, thu hẹp một số nguồn trợ cấp, đồng thời hạn chế phân bổ ngân sách từ trung ương cho các địa phương xuống mức tối thiểu.

Lạm phát đẩy nhiều người dân Argentina vào hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Getty Images

Đây là một phần trong những điều chỉnh “gây sốc” mà Tổng thống Milei coi là cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Kinh tế Luis Caputo xác nhận đồng peso sẽ bị mất giá 50%, từ 400 peso thành 800 peso đổi 1 USD. Ông cho biết chính phủ còn hủy bỏ đấu thầu bất kỳ dự án xây dựng công cộng mới nào và tiến hành giảm 9 bộ để tinh gọn bộ máy. Ngân sách trợ cấp ngành năng lượng, vận tải cũng bị cắt trong khi tất cả loại thuế xuất khẩu dự kiến loại bỏ.

Tình hình có thể tệ hơn trong vài tháng tới, Bộ trưởng Caputo cảnh báo nhưng nói rõ các biện pháp trên là cần thiết để giảm thâm hụt tài chính và tránh thảm họa “siêu lạm phát”. Tuy nhiên, phù hợp với cam kết duy trì phúc lợi cho những người nghèo nhất, chính phủ tăng trợ cấp trẻ em và thẻ thực phẩm lên 50%. Từng là một trong những quốc gia giàu nhất vào đầu thế kỷ 20, Argentina đang chịu mức lạm phát 143% hàng năm và cứ 10 người Argentina thì có 4 người rơi vào cảnh nghèo khó. Nền kinh tế lớn thứ 2 Nam Mỹ cũng có mức thâm hụt tài chính ngày càng lớn, với thâm hụt thương mại 43 tỉ USD cộng với khoản nợ 45 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó 10,6 tỉ USD đến hạn phải trả cho các chủ nợ đa phương và tư nhân vào tháng 4 năm sau.

Hoan nghênh động thái quyết liệt của Argentina, IMF tin các biện pháp này cung cấp nền tảng tốt cho tiến trình đàm phán sâu hơn với Buenos Aires nhằm tái cơ cấu nợ, tạo tiền đề giúp ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững do khu vực tư nhân dẫn dắt. Đây cũng là một trong những cam kết chính của nhà lãnh đạo cực hữu theo chủ nghĩa tự do Milei, cùng với kế hoạch loại bỏ hoàn toàn đồng peso và thay thế bằng đồng USD.  Argentina không phải là quốc gia đầu tiên coi “đô la hóa” là cách để giảm bớt bất ổn kinh tế, trước đây từng có trường hợp tương tự là Ecuador vào năm 2000. Hiện có một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng đồng USD làm tiền tệ chính thức như El Salvador, Panama, Zimbabwe hay Quần đảo Virgin thuộc Anh.

“Đô la hóa” đi kèm những hạn chế

Đồng peso là tiền tệ chính thức ở Argentina nhưng vài năm trở lại đây, đồng tiền này liên tục lao dốc khiến giá cả hầu hết các mặt hàng cơ bản đều tăng chóng mặt trong khi mức lương không được cải thiện. Điều này khiến người dân tích trữ và sử dụng đồng USD nhiều hơn. Trước đại dịch COVID-19, 1 USD tương đương 80 peso nhưng trên thị trường chợ đen hiện nay, 1 USD có giá trị khoảng 1.000 peso. Bối cảnh này đang gây ra tranh cãi giữa người dân và các nhà kinh tế về tham vọng đô la hóa của Tổng thống Milei. Theo cảnh báo của hàng chục nhà kinh tế trong nước, kế hoạch trên có nguy cơ khiến tình hình lạm phát ở Argentina tồi tệ hơn. 

Để đô la hóa, các ngân hàng Argentina còn cần đủ nguồn cung USD khi người dân muốn rút tiền. Theo giảng viên Evan Kraft tại Đại học Mỹ, hệ thống ngân hàng Argentina kể cả Ngân hàng Trung ương cũng khó có lượng dự trữ USD lớn như vậy bởi quốc gia này đang lâm vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng. Bối cảnh trên buộc Buenos Aires chuyển sang các định chế tài chính như IMF. Vấn đề là Argentina hiện là con nợ lớn nhất của tổ chức này nên việc vay lượng lớn USD từ IMF hoặc những cơ quan tương tự khác được dự báo là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với Argentina.

MAI QUYÊN (Theo WP, ABC News)

Chia sẻ bài viết