01/06/2011 - 08:54

Anh phát triển chương trình vũ khí bảo vệ an ninh mạng

GCHQ - nơi chỉ đạo phát triển vũ khí
an ninh mạng. Ảnh: Reuters

Báo The Guardian của Anh ngày 30-5 cho biết, chính phủ đảo quốc sương mù đang phát triển chương trình vũ khí không gian ảo có khả năng chống lại các mối đe dọa từ chính không gian ảo này đối với an ninh quốc gia.

Theo The Guardian, chương trình vũ khí an ninh mạng có khả năng thông báo cho các nhà chức trách nguy cơ bị tấn công để kịp thời đối phó. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Anh Nick Harvey cho rằng, thế giới ảo sẽ trở thành chiến trường tương lai và dù các vũ khí mạng không thay thế các vũ khí thông thường, nhưng đây sẽ là bộ phận không thể thiếu của kho vũ khí quốc gia.

Đây là lần đầu tiên việc phát triển chương trình vũ khí an ninh mạng được Luân Đôn chính thức thừa nhận. Các quan chức Chính phủ Anh nhận thấy nước này cần có một loạt các phương án tấn công mới, tăng cường bảo vệ các cơ sở trọng yếu, đặc biệt là các văn phòng chính phủ, những nơi thường trong tầm ngắm của tin tặc (hacker). Harvey cho rằng các vũ khí này sẽ được quản lý bằng luật lệ giống như những quy định áp dụng đối với việc triển khai các tài sản quân sự khác.

“Chúng tôi cần các dụng cụ có nhiều tính năng và đó là những gì chúng tôi đang phát triển. Các trường hợp và cách thức chúng tôi sử dụng chúng sẽ tương tự như những gì chúng tôi thực hiện ở những lĩnh vực khác. Mạng máy tính là một lĩnh vực mới nhưng các quy định, quy phạm và tiêu chuẩn trong các lĩnh vực khác sẽ được chuyển tải sang thế giới ảo”, Harvey nói. Ông không cho rằng sự tồn tại của một lĩnh vực mới sẽ khiến nước Anh trở nên hiếu chiến hơn, bởi những thỏa thuận về việc triển khai vũ khí mạng được họ thiết lập và thực hiện kỹ lưỡng. Mặc dù bản chất của các vũ khí mạng đang được phát triển vẫn là tối mật, nhưng dư luận cho rằng Văn phòng Nội các và Trung tâm an ninh mạng của Anh là đơn vị chỉ đạo chương trình này và cũng sẽ có sự tham gia của Bộ Quốc phòng Anh.

Tổn thất do các vi-rút máy tính có độ tinh vi cao được báo động trong năm 2010 khi người ta phát hiện vi-rút Stuxnet. Vi-rút này đã thành công trong việc phá hủy chương trình hạt nhân của Iran. Chính phủ Iran đã cáo buộc Israel và Mỹ đã thiết kế và triển khai Stuxnet khiến cho một số máy li tâm của họ mất kiểm soát. Các chuyên gia đánh giá vi-rút này có độ phức tạp và kỹ thuật hiện đại vượt xa bất kỳ vi-rút mạng nào họ từng biết. “Một số người đã có ý định vũ khí hóa một loại vi-rút máy tính”, chuyên gia an ninh Ilias Chantzos nhận định.

Luân Đôn phủ nhận việc Anh có bất kỳ liên quan nào đến sự triển khai Stuxnet. Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của Stuxnet, trong Chiến lược an ninh quốc gia, xứ sương mù đã đưa vấn đề an ninh mạng vào nhóm ưu tiên hàng đầu và Chính phủ Anh quyết định chi thêm 650 triệu bảng cho lĩnh vực này.

Theo ông Harvey, các mạng lưới kỹ thuật số hiện là bộ não của các hệ thống giao thông vận tải, năng lượng và truyền thông. “Hậu quả của một vụ tấn công được chuẩn bị và thực hiện kỹ lưỡng nhằm vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta có thể sẽ rất thảm khốc. So với vũ khí hạt nhân hoặc sinh học, vốn đòi hỏi kỹ thuật cao, vũ khí tấn công mạng lại đơn giản và dễ sử dụng hơn nhiều”, Harvey nói.

Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu tại hội nghị an ninh tại Munich (Đức) rằng Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh đã đẩy lùi được một vụ tấn công mạng trước đó một tháng từ một cơ quan tình báo quốc gia thù địch. Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Hague kêu gọi bàn thảo những quy định có thể chấp nhận được về cách các nước ứng xử trên mạng.

Tuy nhiên, Giáo sư Peter Sommer, chuyên gia công nghệ và các quan hệ an ninh lo ngại Tổng hành dinh truyền thông của Chính phủ Anh (GCHQ) và các cơ quan khác có liên quan có thể đi từ phòng thủ các cuộc tấn công mạng sang khả năng đánh phủ đầu. “Bất kỳ quốc gia nào nghiên cứu kỹ về những phương thức tấn công mạng máy tính vì mục đích quốc phòng đều có các kiến thức cần thiết về hoạt động gây hấn. Bạn có thể dễ dàng tranh luận rằng một cuộc tấn công xác định đúng mục tiêu sẽ ít tốn kém, dễ dàng từ bỏ trách nhiệm và có thể cứu sống nhiều người bằng cách ngăn chặn kẻ thù. Tuy nhiên, khi đó câu hỏi đặt ra là luật nào dành cho việc triển khai cuộc tấn công ấy”, ông nói.

THUẬN HẢI (Theo Guardian)

GCHQ - nơi chỉ đạo phát triển vũ khí an ninh mạng. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết