21/07/2019 - 14:32

Anh-Iran trong vòng xoáy căng thẳng 

Ngày 19-7, trong lúc tòa án cấp cao nhất ở Gibraltar - vùng lãnh thổ thuộc Anh ở Ðịa Trung Hải, đồng ý gia hạn tạm giữ thêm 30 ngày đối với tàu chở dầu Grace 1 của Iran, thì Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu chờ dầu của Anh.

Tàu chở dầu Stena Impero. Ảnh: AP

Hành động “ăn miếng trả miếng” này giữa Iran và Anh tương tự như Mỹ thông báo bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Iran nhằm trả đũa Tehran tiêu diệt UAV do thám của Washington cách đây không lâu.

► Mập mờ nguyên nhân

Phát biểu trước cơ quan lập pháp vùng Gibraltar, người đứng đầu Gibraltar, ông Fabian Picardo bày tỏ mong muốn tiếp tục phối hợp tích cực với giới chức Iran nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tàu chở dầu Grace 1 được thả dựa trên các yêu cầu pháp lý. Trước đó, ông Picardo khẳng định ông đã có cuộc gặp “tích cực và mang tính xây dựng” với giới chức Iran tại thủ đô Luân Đôn nhằm tháo ngòi căng thẳng xung quanh vụ tàu chở dầu Grace 1 bị bắt giữ ngoài khơi Gibraltar hôm 4-7 do nghi ngờ tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Iran cho rằng việc bắt giữ này là “sai trái” và cảnh báo Anh sẽ đối mặt với “những hậu quả”.

Trong khi đó, truyền thông Iran dẫn tuyên bố của IRGC cho biết, lực lượng này bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh vì vi phạm luật hàng hải quốc tế trong khi đi qua eo biển Hormuz. Theo kênh truyền hình Press TV của Iran, chiếc tàu này bị bắt giữ “theo đề nghị của Tổ chức hàng hải và cảng Hormozgan khi đi qua eo biển Hormuz vì không tôn trọng các quy định hàng hải quốc tế”. Tuy nhiên, nguyên nhân bắt giữ tàu lại mập mờ khi hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 20-7 nói rằng tàu chở dầu Anh bị bắt giữ vì va chạm với một tàu đánh cá của Iran, dù tàu này đã phát tín hiệu nguy cơ tai nạn. Theo IRNA, các tàu chiến của IRGC đã trực tiếp định hướng tàu Stena Impero vào neo đậu tại một bến cảng của Iran để phục vụ điều tra.

Tàu Stena Impero treo cờ Anh nhưng thuộc quyền sở hữu của Stena AB, công ty gia đình ở Thụy Điển. Trái với những tuyên bố của Iran, công ty này cho rằng Stena Impero “bị tấn công bởi một số máy bay nhỏ không thể xác định và một trực thăng khi nó đang ở hải phận quốc tế”. Đơn vị điều hành của tàu thì đóng tại Anh, có tên là Stena Bulk. Erik Hanell, Chủ tịch-Giám đốc điều hành của Stena Bulk, cho biết tàu Stena Impero 30.000 tấn chở theo 23 thủy thủ, trong đó có 18 người Ấn Độ, còn lại là Nga, Latvia và Philippines. Marine Traffic, cơ quan dịch vụ theo dõi tàu dầu cho biết Stena Impero trên đường đến Saudi Arabia đã phát tín hiệu cuối cùng gần đảo Larack, gần eo biển Hormuz, trước khi đột ngột thay đổi hành trình hướng về đảo Qeshm của Iran.

Không dừng lại đó, ngay sau khi tàu Stena Impero “bị mất tích”, một tàu chở dầu thứ hai mang cờ Liberia có tên là Mesdar bị IRGC bắt giữ. Iran đã bác bỏ thông tin này. Tuy nhiên, trang mạng chuyên theo dõi về dữ liệu hàng hải Refinitv cho biết tàu Medsar đã hướng về vùng biển của Iran nhưng sau đó đã thay đổi hành trình. Công ty Norbulk Shipping UK - đơn vị chủ quản của tàu Mesdar thông báo đã liên hệ được với thủy thủ đoàn, đồng thời cho biết lực lượng có vũ trang (có thể là của IRGC) xuất hiện trên tàu trước đó.

Hôm 14-7, Iran cũng đã bắt giữ một tàu chở dầu treo quốc kỳ Panama vì nghi ngờ tàu này buôn lậu dầu cho nước ngoài. Hôm 10-7, Tehran cũng đã có cơ hội “phục thù” Luân Đôn vì vụ bắt giữ tàu Grace 1 khi bao vây tàu chở dầu British Heritage tại eo biển Hormuz. Tuy nhiên, tàu khu trục HMS Montrose của Anh đã kịp thời ứng cứu.

► Mỹ có chuyên gia đàm phán với Iran

Để đảm bảo an ninh hàng hải tại vùng Vịnh, đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook ngày 19-7 đã thông báo thành lập liên minh có tên gọi Chiến dịch Sentinal.   Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump một lần nữa khẳng định Mỹ đã bắn hạ UAV của Iran, bất chấp Tehran đã phủ nhận.

Cũng liên quan đến Iran, ngày 19-7, Tổng thống Donald Trump đã xác nhận việc ủy quyền cho Thượng nghị sĩ Rand Paul đàm phán với Iran nhằm hạ nhiệt căng thẳng song phương. Trả lời phóng viên báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump nói: “Ông Rand là một người bạn của tôi và ông Rand đã hỏi tôi liệu ông ấy có thể tham gia. Câu trả lời là "có" và nếu các thượng nghị sĩ khác yêu cầu  tham gia, tôi có thể sẽ đồng ý, tùy thuộc vào việc họ là ai”.

Ông Rand Paul - một chính trị gia theo chủ nghĩa biệt lập, đã nhiều lần “đụng độ” với các cố vấn theo đường lối “diều hâu” của Tổng thống Trump, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Rand Paul cũng đã đề xuất gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhằm tiến hành các cuộc đàm phán giữa hai bên. Thượng nghị sĩ này luôn phản đối sự can thiệp của quân đội Mỹ ở nước ngoài, đồng thời cho rằng nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran thì cần phải nhận được sự cho phép của Quốc hội Mỹ.

Trong phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt kêu gọi Iran thả ngay lập tức tàu Stena Impero nếu không muốn thấy “những hậu quả nghiêm trọng”. Ông Hunt cho biết đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ Mike Pomepo và sẽ nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif  về tình hình hiện nay. Ông Hunt cũng khẳng định: “Đây là chuyện không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng được cân nhắc nhưng có sức mạnh. Chúng tôi không cân nhắc các phương án quân sự. Anh sẽ tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hiện nay. Nếu tự do hàng hải bị giới hạn, Iran sẽ là bên chịu thiệt nhiều nhất”. 

ÐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết