14/06/2019 - 18:47

Ảnh hưởng của việc Trung Quốc phá giá tiền tệ

Việc phá giá tiền tệ không mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào và có thể gây ra sự hỗn loạn đối với trật tự tài chính toàn cầu. Đây là phát biểu của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc  Chu Tiểu Xuyên đưa ra ngày 14-6 tại một diễn đàn tài chính tổ chức ở Thượng Hải.

Theo ông Chu, Trung Quốc nên mở rộng thị trường và bán nhiều hàng hóa hơn cho các nước khác để bù đắp những ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu sang Mỹ giảm sút.

Mặc dù ông Chu Tiểu Xuyên không đề cập cụ thể tới đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tại diễn đàn tài chính này, song các nhà đầu tư trên thế giới vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá đồng NDT trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Hôm 10-6, tỷ giá đồng NDT giao dịch tại thị trường Trung Quốc đại lục đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, có lúc  còn 6,9352 đổi 1 USD.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, tỷ giá NDT tại thị trường đại lục và ngoài đại lục đã giảm hơn 2%.

Trong diễn biến liên quan, ngày 14-6, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ nâng mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm ống thép và ống dẫn thép hợp kim nhập khẩu từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Thông báo của bộ trên cho biết các nhà sản xuất ống thép và ống dẫn thép sử dụng trong môi trường có áp lực và nhiệt độ cao của Mỹ là đối tượng phải chịu mức thuế chống bán phá giá trong khoảng từ 101 - 147,8%. Trong khi đó, mức thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tương tự của EU dao động từ 57,9 - 60,8%.

Theo TTXVN, hồi năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu áp thuế chống bán phá giá trong khoảng từ 13 - 14,1% đối với các mặt hàng ống dẫn thép hợp kim nhập khẩu từ Mỹ và EU, với lý do các sản phẩm này bị hạ giá thấp hơn so với giá thị trường tại Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết