29/06/2014 - 21:19

Ảnh hưởng của đại giáo chủ al-Sistani tại Iraq

Người Iraq tình nguyện chiến đấu chống ISIL giơ cao ảnh của đại giáo chủ al-Sistani. Nguồn: NPR

Những hoạt động gần đây của đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shiite Grand Ayatollah Ali al-Sistani cho thấy ông đang giữ vai trò "chỉ đạo" chính trị tại Iraq, trong đó đặc biệt là lời "hiệu triệu" giới chính trị trong nước mau chóng chọn ra nội các mới trước thời hạn chót ngày 1-7, đồng nghĩa với việc Thủ tướng Nuri al-Maliki sẽ sớm bị thay thế.

Vị giáo sĩ 83 tuổi này là lãnh đạo cao nhất trong bốn giáo sĩ hàng đầu và được tôn kính nhất Iraq. Với hàng triệu tín đồ Shiite trong và ngoài nước thì những ý kiến về luật hoặc mệnh lệnh của ông al-Sistani là điều phải phục tùng và "không thể chối cãi". Tuy nhiên, nhà lãnh tụ tinh thần thích sống ẩn dật nhiều năm qua đã bắt đầu vai trò quan trọng của mình trên chính trường từ hôm 13-6, khi ông kêu gọi người dân Iraq cầm vũ khí chống lại lực lượng nổi dậy dòng Sunni mà ông e ngại có thể khiến đất nước bị hủy hoại. Hàng chục ngàn người đã hưởng ứng kêu gọi trên và tình nguyện hỗ trợ quân đội trong chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL).

Đại giáo chủ al-Sistani cũng bày tỏ mong muốn thành lập chính phủ đoàn kết nội bộ, không chia rẽ về giáo phái, dân tộc. Nhiều người Iraq cho rằng đây là sự "khiển trách" của ông Sistani với hoạt động không hiệu quả của Thủ tướng al-Maliki. Một nhà lập pháp người Shiite nhận định việc ông al-Sistani đặt ra thời hạn ngày 1-7 để các đảng phái chính trị chọn ra thủ tướng, tổng thống và chủ tịch quốc hội mới cho thấy "ông al-Sistani dường như đang dồn tất cả các đảng vào thế kẹt". Các lãnh đạo Sunni cho rằng kêu gọi của ông al-Sistani khơi lại nghi vấn lâu nay rằng các giáo sĩ có tầm ảnh hưởng nhất Iraq, những người vốn luôn giữ khoảng cách với chính trị, sẽ đóng vai trò gì trong các quan hệ trong nước. "Ông ấy đã ra một mệnh lệnh mà người Shiite chưa từng có trong hơn 90 năm qua" và điều này cho thấy "ông ấy đang muốn đảm nhiệm một vai trò nào đó", một nhà ngoại giao phương Tây nói. Còn nhà lập pháp người Shiite nhận định ông al-Sistani mới thực sự là "người điều hành" đất nước hiện nay.

Mohammad Hussein al-Hakim, con trai của một trong bốn giáo sĩ hàng đầu tại Iraq, cho rằng sự can thiệp của các giáo sĩ Shiite, trong đó có đại giáo chủ al-Sistani là cần thiết giữa lúc người Shiite phải đối mặt với mối đe dọa từ những người Sunni cực đoan như cách đây hai thế kỷ, khi người Sunni đã giận dữ hủy hoại thành phố linh thiêng Kerbala. Và hiện nay, khi ISIL đang mở rộng vùng kiểm soát tại phía Bắc và Tây Baghdad một cách nhanh chóng, ông al-Hakim tin rằng nếu không có sự can thiệp của các giáo sĩ thì "lịch sử có thể tái diễn".

Trong khi đó hôm 29-6, quân đội Iraq với sự yểm trợ của xe tăng, máy bay lên thẳng và các đơn vị rà phá bom mìn đã tiếp tục mở cuộc tấn công lớn vào Tikrit nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố phía Bắc bị ISIL chiếm giữ từ hôm 11-6. Trong đợt tấn công hôm 28-6 vào thành phố quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein, có 60 tay súng của ISIL bị tiêu diệt. Còn tại khu vực phía Nam Thủ đô Baghdad, có 25 thành viên lực lượng an ninh Iraq thiệt mạng và 22 người khác bị thương trong vụ đụng độ với phiến quân.

THUẬN HẢI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết