17/06/2019 - 23:26

Anh có đạt mục tiêu không carbon?

Với cam kết đưa lượng khí thải nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050, nước Anh dự kiến trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới ngừng góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Nhưng điều đó liệu khó khả thi?

Ngôi làng ở xứ Wales được dự báo có thể biến mất trong một thế hệ tới. Ảnh: CNN

Ngôi làng ở xứ Wales được dự báo có thể biến mất trong một thế hệ tới. Ảnh: CNN

Mục tiêu

Tuần rồi, Thủ tướng Anh Theresa May trong một tuyên bố cho biết đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 là mục tiêu đầy tham vọng nhưng rất cần thiết để gìn giữ môi trường cho thế hệ tương lai giữa lúc thế giới đang đối mặt hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Để thực hiện cam kết trên,Thủ tướng May nói rằng các cơ quan chính phủ phải có sự phối hợp về chính sách và quy định. Một số ngành kinh tế cũng cần lộ trình rõ ràng để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sạch.

Đây là một phần trong nỗ lực của Luân Đôn nhằm thực hiện các điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được khoảng 200 quốc gia trên thế giới thông qua vào năm 2015. Xây dựng trên thỏa thuận chung, Hiệp định Paris thiết lập khuôn khổ chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu với các mục tiêu rõ ràng: hạn chế mức gia tăng nhiệt độ 1,5°C, hoặc ít ra là dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để kiểm soát sự nóng lên của khí hậu dưới mức 1,5°C, lượng khí thải carbon cần đạt mức 0% vào năm 2050 và được đẩy lùi đến năm 2070 nếu theo kịch bản dưới 2°C. Khí thải carbon bằng không khi lượng khí thải ra không lớn hơn lượng khí được hấp thu.

Thách thức và giải pháp

Tháng trước, Ủy ban về biến đổi khí hậu Anh (CCC) cho rằng Luân Đôn muốn đạt mục tiêu thì cần cắt giảm lượng khí thải nhiều nhất có thể, đặc biệt trong lĩnh vực cơ bản như năng lượng, vận tải và nông nghiệp. Ví dụ, các hộ gia đình phải dừng sử dụng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm và chuyển sang những giải pháp phát thải khí carbon ít hơn. Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt cũng sẽ bị loại bỏ trong các công trình dân dụng sau năm 2025. Xe chạy bằng xăng, dầu diesel cũng dần được thay thế với loại chạy bằng điện hoặc hydro chậm nhất là vào năm 2035.

Tiêu thụ thịt bò, cừu và sữa cũng được kêu gọi giảm 20% vào năm 2050 để giúp chống lại biến đổi khí hậu bắt nguồn từ nông nghiệp. Theo Giám đốc chính sách của Viện nghiên cứu Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường Bob Ward, khí mê-tan (CH4) thải ra từ hoạt động chăn nuôi gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn nhiều so với khí carbon dioxide (CO2). Ngoài nông nghiệp và ngành chăn nuôi, một thách thức hoặc có thể nói  là nhiệm vụ “bất khả thi” trong cuộc chiến kiềm chế sự nóng lên toàn cầu là giảm khí thải trong các lĩnh vực vốn chưa tìm ra lựa chọn carbon thấp thay thế ở quy mô lớn, điển hình như ngành hàng không. Theo nghiên cứu gần đây, một chuyến bay khứ hồi xuyên Đại Tây Dương bình thường có thể thải ra khoảng 1,6 tấn CO2 - gần bằng lượng phát thải trung bình hàng năm trên đầu người ở Ấn Độ.

Trước những thách thức hiện nay, CCC khuyến nghị Anh nên tăng tỷ lệ đất lâm nghiệp nhằm giúp hấp thụ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra từ các hoạt động không thể cắt giảm, chẳng hạn khí CH4 phát ra từ động vật nhai lại như bò, cừu thông qua sự ợ hơi của chúng và quá trình phân hủy chất thải hữu cơ, đặc biệt là ở các bãi chôn lấp. Báo cáo của CCC năm ngoái cho biết giảm 20-50% đồng cỏ cho bò và cừu có thể giải phóng 3-7 triệu ha đồng cỏ từ mức 12 triệu ha hiện tại ở Anh. Đồng cỏ không cần thiết có thể trồng rừng và nhiên liệu sinh học để giúp hấp thụ khí CO2. Nhưng đề nghị trồng thêm nhiều cây xanh cũng đang gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng với diện tích hạn hep, Anh có thể thuê các nước khác trồng cây thay thế. Một số nhóm vì môi trường cảnh báo ý tưởng như vậy có thể làm suy yếu nỗ lực của xứ sương mù trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Mặt khác, các nhà kinh tế tính toán chương trình “phát thải bằng 0” sẽ tiêu tốn của Anh khoảng 1.300 tỉ USD. Chuyên gia phân tích Bjorn Lomborg coi đây là chính sách “vô nghĩa” bởi Vương quốc Anh chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 1% lượng khí thải toàn cầu. Thay vì triển khai kế hoạch mà chi phí vượt xa lợi ích đạt được, vị này cho rằng Anh nên đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp thay thế. Theo ước tính của CCC, các khoản đầu tư cần thiết để đạt mục tiêu phát thải bằng 0 sẽ chiếm khoảng 1% đến 2% GDP mỗi năm. Và đây sẽ là chặng đường gian nan khi kinh tế Anh đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit.

MAI QUYÊN (Theo CNN, Guardian)

Chia sẻ bài viết