11/03/2019 - 13:31

Ấn Ðộ - “kinh đô” những cái chết do selfie 

Hơn 250 người trên thế giới đã bỏ mạng vì chụp ảnh tự sướng (selfie) kể từ năm 2011. Trong đó, Ấn Độ được xem là “kinh đô” thế giới về những cái chết do selfie, bởi các chuyên gia từ Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn trong một nghiên cứu hồi năm ngoái phát hiện ra rằng khoảng một nửa trong số 259 ca tử vong và tai nạn do selfie trong giai đoạn 2011-2017 xảy ra ở quốc gia Nam Á, số ca còn lại chủ yếu xảy ra ở Nga, Mỹ và Pakistan.

Hai thanh niên Ấn Độ selfie bên triền núi. Ảnh: Times of India

Phần lớn các cái chết từ selfie ở Ấn Độ là do chết đuối, bị tàu hỏa, ô tô đâm hoặc rơi từ trên cao xuống. Khoảng 72,5% nạn nhân là nam giới. Số lượng nạn nhân nam chiếm đa số bởi họ thích lựa chọn tư thế nguy hiểm hơn khi selfie.

Song, các chuyên gia cho rằng số người chết do selfie thực tế có thể cao hơn nhiều, bởi nhiều trường hợp không được báo cáo. Trong khi đó, những trường hợp suýt chết vì selfie cũng không được đưa vào nghiên cứu. Đơn cử như trường hợp một người đàn ông Ấn Độ may mắn sống sót sau khi bị tàu hỏa đâm khi đang selfie hồi tháng 1 năm ngoái. 48 người bị phỏng khi selfie trước vụ cháy lò bánh mì hồi năm 2017 cũng không được đưa vào nghiên cứu.

Các chuyên gia cho biết, đa số những người Ấn Độ chết do selfie đều dưới 30 tuổi. Họ cũng nói rằng Ấn Độ có tỷ lệ tử vong do selfie cao hơn các quốc gia khác bởi selfie nhóm phổ biến hơn ở Ấn Độ. Jolynna Sinanan, nhà nhân chủng học tại Đại học Sydney (Úc) chuyên nghiên cứu về mạng xã hội, cho biết văn hóa thị giác ở Ấn Độ mạnh hơn nhiều so với các quốc gia khác, gồm cả Úc. Tuy nhiên, một số người đã quá lạm dụng, làm biến tướng nền văn hóa này. Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp một nhóm người selfie trước 3 người đàn ông tử nạn trên đường, không ai trong số này giúp gọi xe cấp cứu hay giúp đỡ các nạn nhân. Vụ việc đã gây chú ý trên toàn thế giới.

Tại một đất nước vẫn tồn tại một hệ thống phân biệt đẳng cấp như Ấn Độ, việc chụp và đăng ảnh tự sướng lên các phương tiện truyền thông xã hội được coi là một cách để mọi người tự quảng bá bản thân, tăng cường sự tự tin và thể hiện bản thân. Selfie cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính trị. Chẳng hạn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thường xuyên selfie với các nhà lãnh đạo thế giới, những nhân vật nổi tiếng của Bollywood cũng như những người dân thường.

Tuy nhiên, hiện các chính trị gia Ấn Độ đang xem selfie như là một yếu tố gây chết người. Do đó, giới chức Ấn Độ mới đây đã xác định và tuyên bố 16 địa điểm nguy hiểm ở thành phố Mumbai là những “khu vực không được phép selfie”, gồm các điểm du lịch nổi tiếng như Marine Drive hay bãi biển Girgaum Chowpatty, trong khi cảnh sát tiểu bang Maharashtra đã cho công bố danh sách 29 “điểm selfie nguy hiểm”. Goa cũng xác định được 24 “khu vực không selfie” dọc theo bờ biển tiểu bang này.

Theo Thời báo Ấn Độ, các chính quyền địa phương cũng đã được yêu cầu đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn không cho du khách selfie tại những điểm nguy hiểm trên. Các chuyên gia Ấn Độ thậm chí còn phát triển một ứng dụng nhằm cảnh báo người dùng đến các địa điểm selfie nguy hiểm gọi là Saftie và đưa lên kho ứng dụng Google Play. Theo đó, ứng dụng này sẽ gửi cảnh báo cho người dùng nếu họ ở gần một địa điểm chụp ảnh phổ biến được những người dùng khác xem là nguy hiểm.

Trong khi đó, các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng được triển khai. Nhiều khẩu hiệu thông minh, thông điệp giáo dục được treo tại nhiều địa điểm công cộng, trong khi cảnh sát không ngừng tuần tra để đảm bảo an toàn cho công dân.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết