13/11/2022 - 13:14

An Giang 190 năm nhìn lại 

CHÁNH LÝ

Vùng đất tương ứng với địa bàn tỉnh An Giang ngày nay trở thành một phần lãnh thổ Ðại Việt từ năm 1757. Ðến năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập, địa bàn bao gồm toàn bộ các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, một phần các tỉnh Ðồng Tháp và Bạc Liêu ngày nay. Như vậy, đến năm 2022 địa danh An Giang tròn 190 năm.

TP Long Xuyên nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Anh

Vị thế miền đất cổ

Vùng đất An Giang là địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Óc Eo, gắn liền với vương quốc Phù Nam cổ đại, tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Quốc gia này có lãnh thổ trải khắp một vùng rộng lớn ở phía Nam của khu vực Ðông Nam Á lục địa, trong đó có Nam Bộ ngày nay. Người Phù Nam chủ yếu làm nông nghiệp, kỹ thuật canh tác đạt trình độ phát triển ổn định, hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh. Ngoài ra, họ còn giỏi các nghề thủ công mỹ nghệ.

Tuy vậy, thương nghiệp là lĩnh vực có điều kiện phát triển mạnh mẽ ở Phù Nam. Cảng thị Óc Eo (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay) là trung tâm giao thương hàng hóa có quy mô lớn ở Ðông Nam Á thời bấy giờ. Ngoài vai trò là trung tâm thương mại, Óc Eo còn song hành là trung tâm tôn giáo quan trọng của vương quốc Phù Nam.

Kết quả từ các cuộc khảo cổ đã cho thấy dấu tích của những khu vực dân cư phồn thịnh, khu vực sản xuất có quy mô lớn, khu vực giao thương sầm uất… Nhiều hiện vật được phát hiện có nguồn gốc từ La Mã, Ðịa Trung Hải, Ấn Ðộ, Trung Hóa… đã chứng minh cho sự giao thương rộng rãi của người Phù Nam. Như vậy, địa bàn tương ứng với tỉnh An Giang ngày nay đã hội nhập với khu vực và quốc tế từ rất sớm. Ðiều đó khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất này trong tiến trình lịch sử.

Thế kỷ VII, vương quốc Phù Nam suy vong. Tuy có tiểu quốc nổi lên chiếm cứ lãnh thổ Phù Nam, dù vậy trên thực tế trong suốt một thời gian dài, khu vực hạ lưu sông Mekong gần như trở nên hoang hóa, không có dấu chân người.

Thăng thầm thời mở cõi

Từ thế kỷ XVII, chính quyền các chúa Nguyễn ở Ðàng Trong đẩy mạnh chính sách Nam tiến, làn sóng khai hoang của người Việt vào đồng bằng hạ lưu sông Mekong diễn ra mạnh mẽ. Năm 1757, đất Tầm Phong Long được chúa Nguyễn tiếp nhận, phần lớn thuộc địa bàn tỉnh An Giang ngày nay. Vùng đất Tầm Phong Long được đặt thuộc dinh Long Hồ, có ba đạo trấn thủ là Châu Ðốc đạo, Tân Châu đạo, Ðông Khẩu đạo.

Năm 1780, chúa Nguyễn Ánh đổi tên dinh Long Hồ (thành lập năm 1732) thành Vĩnh Trấn. Năm 1789, chúa Nguyễn Ánh lập thủ Ðông Xuyên, ngày nay là TP Long Xuyên, tỉnh lỵ của tỉnh An Giang. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1808, vua Gia Long lập Gia Ðịnh thành tương ứng với Nam Bộ ngày nay. Gia Ðịnh thành bao gồm năm trấn là Biên Hòa, Phiên An, Ðịnh Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.

Vào triều vua Gia Long, dân cư trấn Vĩnh Thanh còn ít ỏi, nhiều đất hoang chưa khai thác. Phần lớn những người đi khai hoang là người nghèo rời bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới. Ðến triều vua Minh Mạng, các khu vực dân cư dần được hình thành, chủ yếu tập trung dọc theo các sông rạch để thuận tiện trong giao thông.

Nhìn chung dưới triều Nguyễn, công cuộc khai thác và kiến thiết biên cương được chú trọng. Ðặc biệt, cụ Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kinh Thoại Hà (1818) và kinh Vĩnh Tế (1819-1824) đã góp phần thúc đẩy giao thương thuận tiện, thu hút cư dân về định cư đông đảo, phòng thủ biên giới vững chắc. Sau này, kinh Vĩnh An (1843-1844) do các cụ Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Tri Phương chỉ huy đào cũng đóng góp vào sự nghiệp đó.

Kinh Vĩnh Tế những năm 1920. Ảnh tư liệu (VT sưu tầm)

Mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (22-11-1832 dương lịch), dưới triều vua Minh Mạng, Gia Ðịnh thành bị bãi bỏ, đổi năm trấn thành sáu tỉnh bao gồm Biên Hòa, Phiên An, Ðịnh Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên. Như vậy, An Giang là một trong “Nam Kỳ lục tỉnh”, đến nay dù trải qua 190 năm với nhiều thay đổi, địa danh ấy vẫn còn được giữ nguyên.

Năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh Tây Nam Kỳ, trong đó có An Giang, sau đó chia thành nhiều đơn vị hành chính nhỏ. Ðến năm 1900, địa bàn tỉnh An Giang cũ trở thành sáu tỉnh Châu Ðốc, Long Xuyên, Sa Ðéc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Từ năm 1976, địa danh và địa giới tỉnh An Giang gần như ổn định cho
đến nay.

Nối tiếp dấu chân xưa

Từ khi chúa Nguyễn xác lập chủ quyền đối với Nam Bộ, cho đến triều Nguyễn thiết lập bộ máy hành chính thống nhất, mảnh đất An Giang luôn có vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng… và có những đóng góp nổi bật vào tiến trình xây dựng, phát triển và hội nhập của Nam Bộ. Sau 190 năm thành lập, tỉnh An Giang từ biên cương hoang vu đã trở thành làng mạc trù phú.

Tỉnh An Giang ngày nay có diện tích tự nhiên là 3.536,8km2, phía Bắc và Tây Bắc giáp nước bạn Campuchia, phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp TP Cần Thơ, phía Ðông giáp tỉnh Ðồng Tháp. An Giang là tỉnh địa đầu biên giới Tây Nam đất nước, nơi đầu tiên đón dòng Cửu Long chảy vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một phần quan trọng trong vùng giác Long Xuyên.

Người An Giang có truyền thống nhân nghĩa, cần cù và sáng tạo lao động, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để bảo vệ và xây dựng quê hương. Do đó, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, vùng đất và con người An Giang đã không ngừng bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh người Kinh là chủ thể văn hóa chính, nhắc đến An Giang không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các cộng đồng người Khmer, Chăm, Hoa. Dù có những khác biệt về văn hóa, nhưng họ vượt qua những khác biệt đó, đã chung tay cùng nhau kiến tạo một mảnh đất biên thùy tươi đẹp.

Qua hành trình 190 năm thành lập và phát triển (1832-2022), hay xa hơn là 265 năm thuộc chủ quyền Việt Nam (1757-2022), mảnh đất và con người An Giang đã kinh qua bao thăng trầm lịch sử. Trong đó, có những mốc son đáng nhớ, những danh nhân ưu tú, những địa danh kiêu hùng… tất cả trở thành niềm tự hào để những thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu đưa An Giang phát triển bền vững.

Chia sẻ bài viết