15/09/2018 - 09:54

Ấn Độ vẫn mua dầu Iran, vũ khí Nga 

Mặc dù đạt được nhận thức chung trong củng cố quan hệ đối tác quốc phòng trước hoạt động mở rộng quân sự của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ không phải lúc nào cũng “đồng lòng” với Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề Iran.

Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất chấp phản đối của đồng minh đã rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau các lệnh trừng phạt tái áp đặt hồi tháng rồi, chính quyền Trump tháng 11 tới dự kiến công bố gói trừng phạt thứ hai, nhắm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng Iran với lời kêu gọi các nước cắt giảm nhập khẩu dầu Tehran xuống con số 0. Hôm 6-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Quốc phòng nước này Jim Mattis đã có chuyến thăm Ấn Độ tham dự đối thoại 2+2 lần đầu tiên, trong đó có việc tìm kiếm cam kết ngừng mua dầu Iran từ New Delhi.

Cảng Chabahar của Iran trên Vịnh Oman. Ảnh: IRNA

Theo các nhà phân tích, vấn đề chính trị nội bộ là nguyên nhân chính đằng sau quyết định của New Delhi phớt lờ lời kêu gọi của Washington. Hiện Ấn Độ đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu nhập từ Iran với kim ngạch lên tới 9,2 tỉ USD hồi năm ngoái. Tuy quốc gia Nam Á có thể thay thế nguồn cung này bằng cách tăng nhập khẩu từ Saudi Arabia hoặc Iraq, nhưng chi phí sẽ bị đẩy lên cao do Tehran đang giảm giá để giữ chân khách hàng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà phân tích nhận định Thủ tướng Modi không thể cho phép giá nhiên liệu trong nước tăng cao, đe dọa khả năng tái đắc cử của ông trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Ngoài vấn đề nội bộ, yếu tố khác khiến New Delhi “miễn cưỡng” trước yêu cầu của Washington chính là tầm quan trọng ngày càng tăng của Iran đối với kinh tế Ấn Độ, vốn là kết quả của thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức). Hiệp ước này ngoài việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế còn giúp Ấn Độ và Iran cùng phát triển cảng Chabahar có vị trí chiến lược, không chỉ giúp Ấn Độ tránh đi ngang Pakistan để tiếp cận thị trường châu Âu, Trung Á mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí. Mặt khác, cảng nước sâu trên Vịnh Oman cũng chiếm vị thế không nhỏ đối với chiến lược phòng thủ của Ấn Độ trong bối cảnh hai đối thủ Trung Quốc và Pakistan không ngừng mở rộng hợp tác quân sự.

Ngoài vấn đề trừng phạt Iran, Ấn Độ và Mỹ còn đang gút mắt về việc New Delhi thương lượng mua vũ khí mới của Mát-xcơ-va, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không S-400.

Ấn Độ sẽ chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn diễn ra vào ngày 5-10. Ngoài ký kết một số thỏa thuận chính, hai bên dự kiến chốt thương vụ S-400 trị giá 6,5 tỉ USD và một thỏa thuận liên chính phủ cấp phép sản xuất súng trường AK-103 cho quân đội Ấn Độ.

Trước đó, Mỹ đặc biệt quan ngại về việc Ấn Độ mua vũ khí của Nga và cảnh báo có thể áp trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận. Song, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ khẳng định nước này chỉ tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chứ không phải lệnh cấm vận đơn phương từ bất kỳ quốc gia nào.

MAI QUYÊN (Theo Asia Nikkei)

Chia sẻ bài viết