08/02/2010 - 09:23

Ấn Độ và Trung Quốc - nền kinh tế nào tốt hơn?

Trung Quốc trước nỗi lo vỡ bong bóng bất động sản.

Trong những cuộc so sánh mà các chuyên gia kinh tế thường đặt ra với hai ngôi sao đang lên của châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất hành tinh hầu như lúc nào cũng dẫn trước. Nhưng kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, vị thế kinh tế của hai nước được dự báo sẽ thay đổi, bắt đầu từ những chính sách thúc đẩy tăng trưởng mà họ đã làm trong giai đoạn suy thoái.

Về phương diện lịch sử, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh hơn Ấn Độ ở nhiều mặt. Bắc Kinh thường nhanh chóng thực thi các chính sách mới, trong khi New Delhi thì chậm chạp vì hệ thống chính trị không ổn định.

Tuy vậy, Ấn Độ hiện nay có thể gia tăng vị thế ở mức gần như ngang bằng với Trung Quốc, dù chưa thể cạnh tranh về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ tăng khoảng 6,4% trong năm 2009, thấp hơn nhiều so với 8,7% của Trung Quốc. Thế nhưng, kinh tế Ấn Độ đang trong trạng thái hồi phục tốt hơn Trung Quốc. “Tôi nhận thấy sự tăng trưởng ở Ấn Độ ổn định hơn Trung Quốc”, Jim Walker, chuyên gia kinh tế thuộc công ty nghiên cứu Asianomics đóng tại Hồng Công, nhận xét.

Trong giai đoạn suy thoái, Trung Quốc đã thực thi cái mà Walker gọi là “chương trình kích cầu lớn nhất trong lịch sử” trị giá 586 tỉ USD. Theo đó, chính phủ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, giảm thuế và nới lỏng tín dụng. Tổng vốn cho vay mới trong năm 2009 đã tăng gần gấp đôi năm 2008, đạt 1.400 tỉ USD, xấp xỉ 30% GDP. Gói kích cầu trên đã phát huy tác dụng, giúp nước này duy trì tăng trưởng ngay cả khi xuất khẩu giảm 16%. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang đối mặt với hàng loạt rủi ro từ việc mạnh tay chi tiêu nói trên. Nhiều người lo ngại chính sách nới lỏng tiền tệ đang góp phần thổi to thêm bong bóng bất động sản. Theo số liệu của chính phủ, giá nhà đất bình quân ở các thành phố Trung Quốc trong tháng 12-2009 đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Bùng nổ tín dụng cũng gây ra lo lắng cho hệ thống ngân hàng của nước này. Tháng 11 năm ngoái, chuyên gia kinh tế Wang Tao của ngân hàng UBS tại Bắc Kinh dự tính nếu 20% trường hợp cho vay mới trong năm 2009 và 10% trong năm 2010 không thể hoàn vốn trong 3-5 năm tới, tổng nợ xấu từ gói kích cầu của Trung Quốc sẽ đạt 400 tỉ USD, gần bằng 8% GDP. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh rõ ràng là đang lo lắng. Bằng chứng là kể từ tháng 12 năm ngoái, họ đã đưa ra một loạt biện pháp để “hạ nhiệt” thị trường nhà đất và hạn chế cho vay. Ví dụ, họ tái áp thuế trên các giao dịch bất động sản và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Trong khi đó, Ấn Độ không trải qua những thách thức tương tự từ những biện pháp chống suy thoái. Chính phủ nước này đã sử dụng những công cụ như các nước khác để hỗ trợ tăng trưởng khi khủng hoảng xảy ra như cắt giảm lãi suất, giảm thuế và tăng chi tiêu nhà nước - nhưng ở mức độ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc (gói kích thích kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa hiện hành chỉ có 36 tỉ USD). Quan trọng nhất là Ấn Độ đạt được sự tăng trưởng mà không phải đẩy bộ phận ngân hàng vào chỗ rủi ro. Trên thực tế, các ngân hàng ở Ấn Độ vẫn khá thận trọng trong suốt cuộc suy thoái (chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng năm 2009 thấp hơn năm 2008). “Tăng trưởng của Ấn Độ, dù thấp hơn Trung Quốc, nhưng lại là yếu tố bảo đảm nguy cơ bong bóng bất động sản ít hơn”, Rajat Nag, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khẳng định. Một lý do khiến Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mà không cần gói kích cầu khổng lồ như Trung Quốc là vì nước này giao thương quốc tế ít hơn. Năm 2008, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 35% GDP, trong khi Ấn Độ chỉ có 28%. Ngoài ra, kinh tế nội địa của Ấn Độ cũng được che chắn tốt hơn trước những tác động bên ngoài. Tiêu dùng cá nhân trong nước chiếm 57% GDP trong khi ở Trung Quốc chỉ có 35%. Lòng tin tiêu dùng đã giúp nền kinh tế không lao dốc. Chẳng hạn doanh số xe khách của nước này trong tháng 12-2009 tăng vọt 40% so với cùng kỳ năm trước. “Điều chúng ta nhìn thấy ở Ấn Độ là một câu chuyện về nhu cầu cơ bản trong nước không bị ngưng trệ trong giai đoạn suy thoái toàn cầu”, Walker nói. WB dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 7,6% trong năm 2010 và 8% trong năm 2011, không cách biệt lắm so với 9%/năm dự báo cho Trung Quốc.

Khi nói về tốc độ tăng trưởng và những chính sách kinh tế, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tỏ ra tự tin: “Chậm rãi mà chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc đua đường dài”.

THANH TRÚC (Theo Time)

Chia sẻ bài viết