11/08/2024 - 23:32

Ấn Độ nỗ lực trở thành công xưởng toàn cầu 

Ấn Độ vừa công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước, gồm cắt giảm thuế hải quan để nhập khẩu một số nguyên liệu thô rẻ hơn cũng như khuyến khích các nhà máy tuyển dụng nhiều công nhân hơn.

Công nhân lắp ráp điện tử trong một nhà máy ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Đó là một phần trong nỗ lực mới nhất nhằm biến nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Thủ tướng Narendra Modi, người đặt mục tiêu tăng thị phần sản xuất toàn cầu của Ấn Độ lên 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047.

Thật ra, Thủ tướng Modi trong thập niên qua đã không ngừng kêu gọi các công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất đến Ấn Độ theo sáng kiến ​​“Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ)” được ông phát động từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2014. Song, mục tiêu đầy tham vọng là đẩy tỷ trọng ngành sản xuất lên 25% GDP vào năm 2022 đã không được đáp ứng. Theo Chính phủ Ấn Độ, ngành sản xuất hiện chiếm 17% GDP nước này.

Tuy nhiên, thực tế là ngành sản xuất của Ấn Độ đang phát triển khá mạnh, với xuất khẩu đạt kỷ lục 447 tỉ USD trong năm tài chính 2022-2023, từ mức 422 tỉ USD của năm trước. Các nhà sản xuất điện tử lớn như Foxconn (Đài Loan) hay nhà sản xuất chất bán dẫn Micron Technology (Mỹ) đã lần lượt chuyển sang sản xuất tại Ấn Độ vào năm 2022 và 2023. Hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) cũng đã mở trung tâm kỹ thuật lớn nhất bên ngoài xứ cờ hoa tại trung tâm công nghệ Bengaluru (miền Nam Ấn Độ).

Đáng chú ý, “gã khổng lồ” công nghệ Apple (Mỹ) cũng đã chuyển một số cơ sở sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Kể từ năm 2022, iPhone 14 và 15 đã được sản xuất tại Ấn Độ. Còn hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc), hoạt động tại Ấn Độ từ năm 1996, thì mở rộng sản xuất điện thoại ở bang Uttar Pradesh. Giới chuyên gia cho biết, động thái chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Ấn Độ của Apple đã góp phần vào thành công của ngành sản xuất của Ấn Độ; đồng thời thu hút nhiều công ty hỗ trợ sản xuất linh kiện máy ảnh, điện thoại đến quốc gia này.

Thống kê cho thấy, Ấn Độ hồi năm 2023 đã sản xuất được 2 tỉ thiết bị, trở thành quốc gia sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai sau Trung Quốc. Xuất khẩu điện tử tăng từ 8 tỉ USD năm 2018-2019 lên 23 tỉ USD năm 2022-2023. Hơn một nửa mức tăng đó đến từ xuất khẩu điện thoại di động. 

Nhìn chung, quy mô ngành sản xuất điện tử của Ấn Độ tăng mạnh, từ con số 30 tỉ USD năm 2014 lên 102 tỉ USD vào năm 2022, và mục tiêu mà New Delhi đặt ra là giúp ngành này đạt 300 tỉ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất nước ngoài ở Ấn Độ phàn nàn rằng mức thuế mà họ phải trả cho linh kiện điện thoại nhập khẩu là rất cao, từ 8,5-15% trong tổng số 80-90% linh kiện phải nhập khẩu (các đối thủ chỉ chịu mức thuế trung bình là 0,7%). Do đó, chính quyền Thủ tướng Modi ngày 31-1 tuyên bố cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các bộ phận điện thoại di động như vỏ pin, ống kính máy ảnh xuống còn 10% từ mức 15%. 

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu Ấn Độ có thể thuyết phục các công ty phương Tây chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất đến đây thì nước này thực sự có thể khẳng định là cường quốc sản xuất toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ cũng hy vọng sẽ sử dụng những lợi thế đó để tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Song, giới quan sát cho rằng ngay cả khi New Delhi được coi là trung tâm sản xuất mới nổi, thành công của ngành sản xuất quốc gia Nam Á vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Bất chấp nhiều hạn chế nặng nề đối với đầu tư của Trung Quốc sau vụ đụng độ tại Đường Kiểm soát thực tế ở thung lũng Galwan hồi tháng 6-2020 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, New Delhi vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu hàng hóa công nghiệp từ Bắc Kinh. “Quy mô kinh tế luôn là một thức thách ở Ấn Độ. Chúng tôi mong muốn có thể nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc một cách dễ dàng hơn để giúp chúng tôi đáp ứng lượng lớn đơn hàng toàn cầu” - Amitabh Kharbanda, Giám đốc điều hành công ty sản xuất đồ chơi lớn nhất Ấn Độ Sunlord Apparels, cho biết.

 

Ấn Độ có hơn 246.000 nhà máy và hơn 3.800 khu công nghiệp với 35,6 triệu công nhân. Trong khi đó, Trung Quốc có 2,8 triệu nhà máy, hơn 20.000 khu công nghiệp và 83 triệu công nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc phải mất 20 năm để vươn lên từ quốc gia sản xuất thứ sáu thế giới vào năm 1990 đến vị trí dẫn đầu vào năm 2010, vượt qua Mỹ. Về phần mình, Ấn Độ trở thành nhà sản xuất thứ 6 thế giới từ năm 2020.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết