03/10/2013 - 22:18

Ấn Độ kiểm soát ngành “công nghiệp đẻ thuê”

Các bà mẹ đẻ thuê thường là những phụ nữ nghèo.
Ảnh: Reuters

Ấn Độ từ lâu được biết đến là niềm hy vọng cho những cặp đôi vô sinh- hiếm muộn muốn có được một mụn con của chính mình. Hiện ngành "công nghiệp đẻ thuê" ở quốc gia này ngày càng bùng nổ, mang đến niềm hạnh phúc cho hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh chủ yếu đến từ nước ngoài.

Tuy nhiên, một cuộc tranh luận sôi nổi về ngành công nghiệp không được kiểm soát này đang diễn ra khi mà ngày càng có nhiều phụ nữ nghèo bị bóc lột, khiến các cơ quan chức năng phải soạn thảo một đạo luật được cho là có khả năng gây trở ngại cho những người nước ngoài muốn đến Ấn Độ tìm con. Theo dự thảo luật, tất cả các bệnh viện phụ sản phải đăng ký và được một cơ quan giám sát quản lý. Những người đẻ thuê phải trong độ tuổi 21-35, được mua bảo hiểm và các hợp đồng phải có chữ ký của cả người đẻ thuê và người thuê đẻ.

Ấn Độ bắt đầu mở cửa ngành “công nghiệp đẻ thuê” hồi năm 2002. Đến nay ngoài Ấn Độ chỉ có một số ít các quốc gia khác như Gruzia, Nga, Thái Lan, Ukraina và một vài tiểu bang của Mỹ cho phép phụ nữ kiếm tiền bằng cách mang thai hộ thông qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và chuyển phôi. Với chi phí thấp, đội ngũ y bác sĩ lành nghề, tình trạng quan liêu ít và một lực lượng đẻ thuê hùng hậu, Ấn Độ được xem là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn có con, đặc biệt là những cư dân đến từ Anh, Mỹ, Úc và Nhật Bản.

Hiện không có bất kỳ con số thống kê chính thức nào về qui mô của ngành công nghiệp này tại Ấn Độ, nhưng một nghiên cứu do Liên Hiệp Quốc thực hiện hồi tháng 7-2012 ước tính doanh số lên tới hơn 400 triệu USD/năm với hơn 3.000 bệnh viện phụ sản trên khắp đất nước. Trong số đó, bệnh viện phụ sản Akanksha tại thị trấn Anand (bang Gujarat) nổi tiếng trong và ngoài nước, biến thị trấn nhỏ này thành “kinh đô đẻ thuê” của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Theo chủ nhân của Akanksha, chuyên gia IVF  Nayana Patel, thường các cặp vợ chồng ngoại quốc phải trả khoảng 25.000-30.000 USD cho bệnh viện  để có con và đây là con số rất nhỏ so với chi phí ở Mỹ. Sau đó bà trả cho người đẻ thuê khoảng 6.500 USD.

Hiện ngành “công nghiệp đẻ thuê” của Ấn Độ đang bị các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ phản đối dữ dội. Họ cho rằng các bệnh viện phụ sản không khác gì những “nhà máy sản xuất trẻ con” cho người giàu. Khi những điều luật về đẻ thuê chưa được đặt ra, nhiều phụ nữ nghèo và thất học bị các nhân viên môi giới làm việc cho các bệnh viện phụ sản yêu cầu ký những hợp đồng mà họ thường không hiểu hết về chúng. Do đó, đôi khi những trường hợp đáng tiếc xảy ra, người thân của họ không thể can thiệp. Trong số đó, trường hợp của chị Premila Vaghela là một ví dụ điển hình. Hồi tháng 7 năm ngoái, bà mẹ 30 tuổi này đã tử vong vài ngày sau khi sinh con cho một cặp vợ chồng người Mỹ. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng đây chỉ là tai nạn.

Một nghiên cứu do Chính phủ Ấn Độ tài trợ gần đây trên 100 phụ nữ đẻ thuê ở New Delhi và Mumbai cho thấy không hề có bất kỳ “quy tắc cố định” nào liên quan đến việc bồi thường cũng như không hề có hình thức bảo hiểm nào cho giai đoạn hậu sản. Trong nhiều trường hợp, các bà mẹ bị cấy phôi nhiều lần để đảm bảo cơ hội thành công. “Hầu hết các bà mẹ đẻ thuê đều bị lợi dụng” - Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội có trụ sở tại New Delhi, nhận xét.

     TRÍ VĂN (Theo Reuters)

 

Các bà mẹ đẻ thuê thường là những phụ nữ nghèo. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết