29/08/2018 - 15:00

Ấn Độ cạnh tranh với “Vành đai, Con đường” ở châu Âu 

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xâm nhập vào Đông Âu như một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI”, Ấn Độ đang triển khai các kế hoạch nhằm mở rộng quan hệ đối tác kinh tế với các nước ở cả Đông Âu và Nam Âu.

Theo đó, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind ngày 2-9 tới sẽ có chuyến thăm CH Síp, Bulgaria và CH Séc. Sau đó, Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaih Naidu vào giữa tháng 9 sẽ đến thăm Malta, Serbia và Romania. Chuyến công du châu Âu của 2 nhà lãnh đạo Ấn Độ cho thấy vai trò ngày càng gia tăng của Ấn Độ trong khu vực. Đây là chuyến thăm lần thứ 2 của Tổng thống Kovind tới khu vực. Trước đó, ông Kovind hồi tháng 6 đã có chuyến thăm Hy Lạp, nơi ông vạch ra chính sách châu Âu của Ấn Độ.

Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos (phải) tiếp người đồng cấp Ấn Độ Ram Nath Kovind  hồi tháng 6. Ảnh: AP 

Lâu nay, khu vực Đông Âu và Ấn Độ được biết đến có quan hệ gần gũi. Hiện New Delhi muốn thâm nhập các thị trường phát triển mạnh tại đây, tìm kiếm công nghệ cũng như đẩy mạnh đầu tư tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy BRI ở châu Âu. Theo tờ Economic Times, Trung Quốc đã cam kết triển khai các khoản đầu tư khổng lồ ở Đông Âu và Trung Âu dựa trên khuôn khổ hợp tác 16+1 (16 nước Trung-Đông Âu và Trung Quốc). Do đó, việc Ấn Độ “để mắt” tới khu vực trong bối cảnh này là “hợp tình hợp lý”.

Là cửa ngõ của Ấn Độ đến Địa Trung Hải, Bắc Phi, Nam Âu và thậm chí một phần của Tây Á, CH Síp hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 8 ở Ấn Độ. Trong giai đoạn từ tháng 4-2000 đến tháng 6-2017, dòng vốn đầu tư tích lũy của CH Síp vào Ấn Độ lên tới 9,278 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Trong khi đó, Ấn Độ có quan hệ gần gũi với CH Séc thông qua nhiều lĩnh vực, từ văn hóa đến đầu tư.

Là quốc gia duy nhất của châu Âu miễn thị thực nhập cảnh 30 ngày đối với công dân Ấn Độ, Serbia đã cho phép một số nhà sản xuất và ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ phát huy lợi thế của mình tại đây. Tương tự, Bulgaria cũng đang nổi lên như một điểm đến phổ biến đối với ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ. Đổi lại, New Delhi hiện là nơi cung cấp nền tảng cho ngành công nghệ thông tin cũng như các ứng dụng liên quan đến bảo mật mạng cho Sofia.

Ba quốc gia còn lại trong khu vực gồm Hungary, Ba Lan và Slovakia cũng đang tìm cách thu hút Ấn Độ đến Đông Âu và Trung Âu. Trong vài năm qua, nhiều quan chức cấp cao của Ấn Độ đã đến thăm Hungary và Ba Lan. Ba quốc gia này cùng với CH Séc đã thành lập một nhóm gọi là V-4 nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quân sự, văn hóa, kinh tế và năng lượng cũng như tăng cường hội nhập ở Liên minh châu Âu (EU). Giới phân tích cho rằng V-4 đang mang đến cho Ấn Độ một nền tảng phù hợp để tiến gần hơn với Đông Âu và Trung Âu.

Chủ tịch Trung Quốc bảo vệ kế hoạch Con đường tơ lụa mới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 27-8 đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch Con đường tơ lụa mới của nước này, cho rằng nó không nhằm mục đích tạo ra một liên minh quân sự, đồng thời kêu gọi sự hợp tác thương mại của các quốc gia đối tác. “BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế, không phải liên minh quân sự hay địa chính trị. Đây là một quy trình mở chứ không phải nhằm tạo ra các vòng tròn khép kín hay một câu lạc bộ của Trung Quốc” - ông Tập phát biểu tại hội thảo được tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh hôm 27-8 nhân kỷ niệm 5 năm ra đời BRI. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết