
Ấn Độ và Bangladesh vừa mở đường bay trực tiếp từ thành phố Guwahati đến thủ đô Dhaka. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Đường bay trên không chỉ đơn giản là sự hợp tác trong lĩnh vực hàng không mà nó nhằm nhấn mạnh vai trò của Chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi, vốn nhằm cải thiện hệ thống kết nối và thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia láng giềng phía Đông, trong đó gồm các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Chính sách này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI”. Đặc biệt, New Delhi đang bắt tay với Dhaka triển khai một loạt dự án ở Bangladesh như xây dựng cầu Bhairab và Titas cùng tuyến đường sắt Akhaura-Agartala. Không những vậy, Ấn Độ còn cung cấp cho Bangladesh nhiều khoản tín dụng trị giá khoảng 8 tỉ USD.
Ngoài những dự án trên, Ấn Độ cũng đang triển khai một loạt sáng kiến kết nối khác, gồm dự án giao thông đa phương tiện Kaladan, kết nối vùng Đông Bắc xa xôi của Ấn Độ với Myanmar và Vịnh Bengal. Ngoài ra, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan đang hợp tác xây dựng tuyến đường kết nối thành phố Moreh ở phía Đông Bắc Ấn Độ với thị trấn Mae Sot của Thái Lan thông qua Myanmar.

Cảng Colombo của Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg
Ấn Độ còn “để mắt” tới lĩnh vực hàng hải. Ngoài việc củng cố sự hiện diện của mình ở các quần đảo Andaman và Nicobar trên Ấn Độ Dương, New Delhi có kế hoạch phát triển một cảng biển sâu tại thành phố Sabang của Indonesia. Ấn Độ cũng tham gia vào một loạt dự án ở Afghanistan, chẳng hạn như đường cao tốc Zaranj-Delaram trị giá 135 triệu USD, đập Hữu nghị Afghanistan-Ấn Độ trị giá 290 triệu USD. Đến nay, New Delhi đã đầu tư khoảng 3 tỉ USD vào Afghanistan, biến nước này trở thành một trong những nhà tài trợ quốc tế lớn nhất cho Afghanistan. Ngoài ra, Ấn Độ cùng Nhật Bản phối hợp với Cảng vụ Sri Lanka phát triển Cảng container phía Đông thuộc cảng Colombo. Điểm đặc biệt là Sri Lanka sẽ giữ quyền sở hữu hoàn toàn đối với cảng này, tương phản với cảng Hambantota mà Sri Lanka đã phải giao quyền quản lý cho các công ty Trung Quốc trong 99 năm để “trừ nợ”.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tư nhân Ấn Độ cũng tham gia vào các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á và châu Phi. Đơn cử, các nhà sản xuất ô tô như Mahindra & Mahindra mở rộng sang châu Phi trong khi Tata Motors, TVS Motors và Bajaj Auto thì chuyển sang thị trường Đông Nam Á.
Giới chuyên gia cho rằng chính sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại các nước láng giềng là “động lực” thúc đẩy chính sách kết nối của Ấn Độ. Đặc biệt trong thời gian gần đây, sự hiện diện của Bắc Kinh đang gia tăng tại các quốc gia như Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng của nước sở tại - một phần thuộc sáng kiến BRI. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã tài trợ cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá nhiều chục tỉ USD.
Còn tại Bangladesh, Bắc Kinh mới đây đã ký thêm nhiều thỏa thuận hợp tác với Dhaka trong các lĩnh vực như điện, đầu tư, văn hóa, du lịch và công nghệ. Là thành viên của BRI từ năm 2016, Bangladesh nhận một lượng lớn tài trợ từ Trung Quốc dành cho các dự án cơ sở hạ tầng. Hai nước ký tới 27 thỏa thuận đầu tư và cho vay trị giá khoảng 24 tỉ USD trong chuyến thăm Bangladesh năm 2016 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cùng với khoản đầu tư liên doanh trị giá 13,6 tỉ USD trước đó, mức đầu tư của Trung Quốc vào đây được cho trị giá hơn 38 tỉ USD, giúp Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Bangladesh.
TRÍ VĂN (Theo Nikkei, The Diplomat)