21/03/2010 - 21:57

Ai sẽ làm Thủ tướng Iraq?

Hai ông Maliki (trái) và Allawi đang bám đuổi nhau sát nút.

Với 92% số phiếu được kiểm, Ủy ban Bầu cử Iraq cuối tuần rồi cho biết Liên minh người Iraq của cựu Thủ tướng Iyad Allawi đang dẫn đầu, nhận được nhiều hơn 8.000 phiếu ủng hộ trên toàn quốc so với Liên minh nhà nước pháp quyền của đương kim Thủ tướng Nuri al-Maliki trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7-3. Tuy nhiên, ông Maliki lại có cơ may chiến thắng nhiều hơn do số ghế trong Quốc hội Iraq được phân chia theo tỉnh, mà Liên minh nhà nước pháp quyền đang dẫn đầu tại 7/18 tỉnh, trong đó có Baghdad, nơi chiếm hơn 20% trong tổng số 325 ghế của cơ quan lập pháp. Trong khi đó, Liên minh người Iraq đang dẫn đầu tại 5 tỉnh, Liên minh dân tộc Iraq 3 tỉnh và Liên minh người Kurd 3 tỉnh. Theo dự báo của báo giới Iraq, Liên minh nhà nước pháp quyền sẽ giành được 91 ghế, Liên minh người Iraq 88 ghế, Liên minh dân tộc Iraq 68 ghế, Liên minh người Kurd 39 ghế và số ghế còn lại thuộc về các đảng nhỏ khác. Như vậy, dù kết quả có ra sao thì một điều chắc chắn rằng sẽ không có đảng nào hội đủ 163 ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ, mà phải bắt tay với các đảng khác.

Dù chưa có kết quả chính thức nhưng cựu Thủ tướng Allawi đã bắt đầu có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Liên minh dân tộc Iraq và Liên minh người Kurd. Ông tuyên bố sẽ không hợp tác với ông Maliki trừ phi ông này thay đổi quan điểm lãnh đạo. Ông Allawi cho biết nếu trở thành thủ tướng, ưu tiên của ông là làm trong sạch lực lượng vũ trang và mật vụ vốn mang nặng yếu tố giáo phái. Theo ông, đây là hậu quả của 4 năm lãnh đạo của Thủ tướng Maliki (Liên minh nhà nước pháp quyền là đảng của người Hồi giáo dòng Shiite, Liên minh người Iraq phi giáo phái. Ông Allawi tuy là người Shiite nhưng nhận được sự ủng hộ của nhiều người Sunni). Ông Allawi cũng chỉ trích đối thủ Maliki là độc tài và gây thảm họa cho người dân Iraq suốt mấy năm qua.

Trong khi đó, nếu được đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp, Liên minh nhà nước pháp quyền sẽ gặp khó khăn trong việc lôi kéo các đảng khác một khi ông Maliki tiếp tục được đề cử làm thủ tướng. Trong thời gian cầm quyền, tuy có công kéo Iraq ra khỏi bờ vực nội chiến nhưng ông Maliki cũng bị nhiều chỉ trích. Không ít chính khách gọi ông là con rối của Mỹ, là tay sai của Iran (chính quyền Tehran theo dòng Shiite). Trước tình thế đó, các thành viên trong Liên minh nhà nước pháp quyền không loại trừ khả năng sẽ tìm người thay thế ông Maliki để tranh thủ sự ủng hộ của các đảng khác.

Theo các nhà phân tích, với những mâu thuẫn về lợi ích giữa các đảng phái đại diện cho các sắc tộc, giáo phái khác nhau, cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới tại Iraq có thể kéo dài hàng tháng trời. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực, có nguy cơ làm dấy lên làn sóng bạo lực mới, cũng như gây khó khăn cho kế hoạch của Mỹ trong việc rút bớt 46.000 quân về nước, chỉ để lại 50.000 binh sĩ ở xứ sở Nghìn lẻ một đêm vào cuối tháng 8 tới.

LÊ DÂN
(Theo Bloomberg, CSMonitor, AFP)

LÊ DÂN(Theo Bloomberg, CSMonitor, AFP)

Chia sẻ bài viết