15/08/2022 - 20:09

Afghanistan sau một năm Taliban nắm quyền 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 15-8, lực lượng Hồi giáo Taliban đã kỷ niệm một năm nắm quyền Afghanistan bằng một buổi lễ nhỏ, trong bối cảnh đất nước đang vật lộn với tình trạng nghèo đói, hạn hán và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng gia tăng.

Vào ngày 15-8-2021, khi lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan và chính quyền thân phương Tây tại Kabul sụp đổ, Taliban đã giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Trong một năm qua, tình cảnh của người dân Afghanistan đã đi từ chỗ xấu cho tới tồi tệ, về sinh kế, về đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em gái, các dân tộc thiểu số.

Khoảng 95% dân số Afghanistan không đủ ăn mỗi ngày. Ảnh: Reuters

Đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng

Một thảm họa nhân đạo đang chực chờ Afghanistan ở phía trước. Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong 2 năm qua khiến sản lượng lương thực và nền kinh tế của đất nước khủng hoảng nghiêm trọng. Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), hơn 20 triệu người Afghanistan, tức phân nửa dân số nước này, đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực “khẩn cấp” hoặc “nghiêm trọng”. Trên 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong khi nước này đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh khẩn cấp như COVID-19, bệnh sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết.

Các trận động đất trong tháng 6 vừa qua càng khiến cho điều kiện nhân đạo tại nhiều khu vực ở Afghanistan xuống dốc. Tuy nhiên, chính quyền Taliban lại không thể sử dụng khoản tiền 7,2 tỉ USD mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi ở nước ngoài để giải quyết tình huống khẩn cấp hiện nay.

Chính phủ mà Taliban thành lập sau khi tái cai trị Afghanistan đã bị cô lập và không được quốc tế công nhận. Taliban đã phớt lờ cả áp lực trong nước và quốc tế về việc thành lập một chính phủ toàn diện. Các nhà kỹ trị đã bị gạt sang một bên để có lợi cho sự lãnh đạo cốt lõi của Taliban. Do vậy, Mỹ đã đóng băng khối tài sản trên của Afghanistan, trong khi Anh, Ðức và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cũng phong tỏa 2 tỉ USD. Các thể chế cho vay quốc tế đã đình chỉ nhiều khoản vay, viện trợ cho Afghanistan cho đến khi Taliban thực hiện các cam kết với người dân nước này. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt có hiệu lực đối với những phần tử Hồi giáo khủng bố cũng ảnh hưởng đến chính phủ của Taliban, qua đó gây khó khăn cho cả đất nước.

Tái lập “nắm đấm sắt”

Tuy nhiên, thay vì tập trung vào giải quyết vấn đề, Taliban lại tỏ ra bận tâm với việc thiết lập lại “nắm đấm sắt” - thuật ngữ để chỉ việc thực thi các chính sách một cách áp bức hoặc tàn nhẫn để đạt được quyền lực. Hồi tháng rồi, Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã công bố báo cáo về thương vong của dân thường, những hạn chế về quyền phụ nữ và quyền tự do ngôn luận, giết người ngoài tư pháp và đàn áp các dân tộc thiểu số.

Trong lần đầu tiên cai trị Afghanistan vào thập niên 1990, Taliban đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với phụ nữ, theo đó cấm tất cả trẻ em gái đi học, cấm phụ nữ đi làm và yêu cầu họ phải mặc áo choàng dài che kín toàn thân khi đi ra ngoài. Sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, nhiều phụ nữ Afghanistan đã quay trở lại trường học và đi làm, đặc biệt ở thành thị.

Ở giai đoạn cầm quyền thứ hai này, Taliban cam kết sẽ không khắc nghiệt với phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số như người Shiite, người Hazara. Thế nhưng, nhóm Hồi giáo này lại ban hành hàng chục lệnh cấm và sắc lệnh hạn chế quyền tự do của phụ nữ. Phụ nữ bị hạn chế tiếp cận với giáo dục, việc làm và sự tự do đi lại. Bộ Phụ nữ Afghanistan đã bị loại bỏ hồi tháng 9-2021 và thay thế bằng Bộ Tuyên truyền đạo đức và phòng chống tệ nạn. Vào tháng 5 vừa rồi, phụ nữ được lệnh phải trùm kín hoàn toàn ở nơi công cộng. Trẻ em gái phải học riêng, thậm chí các trường từ lớp 6 cho nữ sinh vẫn chưa được mở cửa trở lại.

Theo tờ Al Jazeera, 3,5 triệu người đã di cư trong nước Afghanistan tính đến cuối năm 2021. Kể từ khi Taliban tiếp quản, tỷ lệ tảo hôn đều gia tăng ở các thành phố và vùng nông thôn. Các gia đình đã buộc phải bán hoặc gả con gái để có tiền mua lương thực hoặc giảm bớt “miệng ăn”. Ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em Afghanistan đang tham gia lao động trong bối cảnh thu nhập của gia đình bị sụt giảm.

Chia sẻ bài viết