18/09/2011 - 07:38

Chiến dịch gia nhập LHQ của Palestine:

Abbas chọn giải pháp "đối đầu với Mỹ"

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao và cả sức ép đe dọa cắt viện trợ của Mỹ, người đứng đầu Chính quyền Dân tộc Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas vẫn kiên quyết yêu cầu Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận nhà nước Palestine đầy đủ vào ngày 23-9 tới.

Tổng thống Abbas trong bài phát biểu ngày 16-9. Ảnh: AFP 

Phát biểu trực tiếp trên kênh truyền hình A-rập al-Jazeera và một số phương tiện truyền thông hôm 16-9 tại thành phố Ramallah, Tổng thống Abbas tuyên bố ông sẽ yêu cầu LHQ công nhận quyền hợp pháp của nhân dân Palestine về một nhà nước đầy đủ và trọn vẹn lãnh thổ với đường biên giới trước năm 1967, trong đó có thủ đô là Đông Jerusalem. Ông giải thích rằng một nhà nước Palestine độc lập được ra đời không có nghĩa là tiến trình đàm phán hòa bình coi như đã kết thúc, mà nó tạo ra sự bình đẳng với người Israel trên bàn đàm phán đòi quyền biên giới hợp pháp.

Theo hãng tin Anh Reuters, nếu Hội đồng bảo an LHQ bác bỏ yêu cầu của Palestine thì Đại Hội đồng LHQ không có quyền cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine. Tuy nhiên, Đại Hội đồng vẫn có thể công nhận Palestine là một nhà nước không thành viên, tương tự như quy chế dành cho Tòa thánh Vatican. Hiện nay, Palestine chỉ được coi là một “thực thể có tư cách quan sát viên” chứ chưa phải là “nhà nước quan sát viên” của LHQ. Cho nên, với quy chế mới này, chính quyền Palestine hy vọng có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế xét xử tội ác chiến tranh mà Israel đã gây ra cho nhân dân Palestine.

Hành động kiên quyết của ông Abbas vì thế sẽ khiến cho Mỹ rơi vào tình cảnh khó xử. Chính quyền Barack Obama gần như chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết tại HĐBA để đảm bảo Palestine không trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Nhưng bản thân điều này đã làm Washington đánh mất uy tín của mình trước thế giới A-rập đang đổi thay xu thế chính trị. Tổng thống Abbas nhắc lại rằng cách đây một năm, chính ông Obama tuyên bố ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập vào tháng 9 năm nay. Israel cũng đã chấp nhận ý tưởng một nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình với nhà nước Do Thái. Mỹ và đồng minh Israel cho rằng một nhà nước Palestine độc lập như vậy phải thông qua đàm phán chứ không phải bằng “hành động đơn phương” của Palestine. Thế nhưng, theo Palestine, đây không phải là hành động đơn phương, mà là một tiến trình xem xét tập thể của 193 quốc gia thành viên LHQ. Vả lại, Palestine không có sự lựa chọn nào khác khi tất cả các nỗ lực đàm phán với Israel thời gian qua đều thất bại.

Không thuyết phục được chính quyền của Tổng thống Abbas, Washington dọa cắt khoản viện trợ 500 triệu USD/năm cho Palestine. Nhưng xem ra, chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Washington không cản được quyết tâm của ông Abbas và nhân dân Palestine.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, NYTimes và AFP)

Chia sẻ bài viết