23/06/2017 - 09:29

Kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, 15 năm Ngày thành lập Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô

53 năm son sắt lời thề

Hôm nay (ngày 23-6), UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn Tây Đô (24/6/1964-24/6/2017) và 15 năm Ngày thành lập Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô (24/6/2002-24/6/2017). Dịp này, Báo Cần Thơ xin giới thiệu đôi nét truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng và những hoạt động của Ban Liên lạc thời gian qua…

Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt…

Ngày 24-6-1964, tại ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Cần Thơ tổ chức mít tinh trọng thể công bố thành lập Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ). Tại lễ ra mắt, Tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Đơ đã hứa với Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội và nhân dân lời thề son sắt: "TĐTĐ  ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt". Lời son sắt trước Đảng bộ và nhân dân, lời thề ấy thấm sâu vào máu các thế hệ cán bộ và chiến sĩ TĐTĐ.

 

 Tiểu đoàn Tây Đô được thành lập tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TRẦN GIÁC

Từ khi thành lập, mọi vùng đất TĐTĐ đi qua đều in đậm chiến công. Trong kháng chiến chống Mỹ, TĐTĐ đã hoạt động ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá… với sở trường tác chiến đánh đồn, phục kích, tập kích. Có những trận đánh không cân sức mà vẫn chiến thắng, như: Cái Sắn (năm 1966), Vòng Cung (năm 1968), Quang Phong (năm 1972), Một Ngàn (năm 1974)... TĐTĐ cũng vinh dự là lực lượng tiên phong nổ súng mở màn Tết Mậu Thân năm 1968 tại Cần Thơ, mở đầu chiến dịch mùa hè năm 1972 tại căn cứ Quang Phong, mở màn chiến dịch mùa xuân 1975 tiêu diệt Chi khu Một Ngàn và là lực lượng đầu tiên cắm lá cờ Quyết Thắng lên nóc dinh Tỉnh trưởng Phong Dinh, góp phần giải phóng tỉnh Cần Thơ... Ngày 12-9-1975, TĐTĐ vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu cao quý "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TĐTĐ nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Tiểu đoàn lại nối tiếp nhiều chiến công lẫy lừng, như: đánh tan quân Pôn Pốt ở Hà Tiên, Vĩnh Xương, Cả Hàng, Cô Dâu, Cô Dơi; bắt sống xe tăng, ngăn chặn Sư đoàn 210 của Pôn Pốt, làm cho quân địch khiếp sợ ở tuyến Đường sắt, Biển Hồ, có những trận xóa sổ cả phiên hiệu một Sư đoàn địch...

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, TĐTĐ là đơn vị rút quân về nước sau cùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 29-8-1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" lần thứ hai cho TĐTĐ.

Vẹn tròn nghĩa tình đồng đội

Ban Liên lạc Cựu chiến binh TĐTĐ được thành lập ngày 24-6-2002. Người khởi xướng ra tổ chức này là Thiếu tướng Lê Thanh Sơn – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Cần Thơ. Ban Liên lạc ngày đầu thành lập có 9 Tiểu ban. Đến nay, Ban Liên lạc đã tập hợp trên 3.000 cựu chiến binh với 21 Tiểu ban. Các Tiểu ban, Phân ban hoạt động đạt hiệu quả, giúp anh, chị em được hưởng chế độ của Chính phủ, các chế độ bị thương và tìm thân nhân liệt sĩ chưa được báo tử…

 

Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô tổ chức bàn giao Nhà đồng đội
cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VIỆT THẮNG

Từ năm 2003 đến nay, Ban Liên lạc đã vận động và trao tặng 1.000 căn nhà cho các cựu chiến binh gặp hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền trên 42 tỉ đồng... Cựu chiến binh Thạch Tòng (ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) được các ông Lê Thanh Sơn và Hà Phương tìm gặp trong hoàn cảnh nghèo đói. Các đồng chí, đồng đội đã vận động tặng quần áo cho vợ chồng ông Tòng, hỗ trợ tiền cất nhà. Ngày Ban Liên lạc bàn giao nhà, ông Thạch Tòng vui mừng trong nước mắt, nói: "Không có anh em TĐTĐ giúp đỡ có lẽ đời tôi không bao giờ có được căn nhà vững chãi như vầy"...

Ban Liên lạc còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ động viên các anh chị em đau yếu, khó khăn. Những lúc các cựu chiến binh ốm đau hay từ trần đều có đồng đội ở bên giúp đỡ, chăm lo, hương khói… Ban Liên lạc cũng tham gia nhiều hoạt động giáo dục truyền thống và đền ơn, đáp nghĩa, như: tìm di ảnh liệt sĩ và các đồng chí từ trần, chụp ảnh người đang sống để in thành hai tập ảnh chân dung chiến sĩ TĐTĐ; tư vấn cho Bộ CHQS TP Cần Thơ tu bổ, nâng cấp mộ 46 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh trên kinh Zêrô (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) và lập nhà lưu niệm TĐTĐ tại thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh để ghi nhớ 50 liệt sĩ hy sinh tại Kinh D (Thốt Nốt) và kinh Zê Rô (Tân Hiệp) năm 1966… Ngoài ra, Ban Liên lạc cũng đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tổ chức viếng định kỳ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Hiệp và Nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Song song đó, Ban Liên lạc phát động viết bài, in thành 2 tập sách "TĐTĐ sống mãi" kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân được bạn đọc trong và ngoài thành phố hoan nghênh…

Những hoạt động ý nghĩa của Ban Liên lạc luôn có sự đồng hành của các đơn vị, như: Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang, Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ, Công ty Điện lực Cần Thơ, Công ty Lương thực Miền Nam, Nông trường Sông Hậu, Hợp tác xã Đồng Tiến, Hợp tác xã Vạn Phước, Công ty Hóa chất Cần Thơ, Đài PT và TH TP Cần Thơ, Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang, Bộ CHQS thành phố Cần Thơ, Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang… và cá nhân các đồng chí Nguyễn Hà Phan, Trần Minh Sơn, Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Phong Quang, Trần Thanh Mẫn, Trần Quốc Trung, Huỳnh Minh Chắc, Trần Công Chánh… và rất nhiều tấm lòng nhân ái khác.

53 năm qua, cán bộ, chiến sĩ TĐTĐ luôn kế thừa và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", sống xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Với truyền thống đơn vị hai lần được tuyên dương anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ TĐTĐ hôm nay vẫn tiếp tục học tập, lao động để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hoàng Khiêm - Phạm Trung

Chia sẻ bài viết