16/07/2021 - 16:23

5 căn bệnh tâm thần dễ bị bỏ qua 

Theo các chuyên gia sức khỏe, tuy nhận thức về sức khỏe tâm thần gần đây được nâng cao, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không được điều trị kịp thời do một số bệnh không được chú ý hoặc bị chẩn đoán sai. Dưới đây là 5 dạng rối loạn tâm thần dễ bị bỏ qua:

Gặp chuyên gia là biện pháp hữu hiệu giúp người bệnh vượt qua vấn đề sức khỏe tâm thần.

Trầm cảm

Mặc dù trầm cảm là một trong những bệnh lý tâm thần phổ biến nhất với khoảng 264 triệu người bị ảnh hưởng trên toàn cầu, song các chuyên gia cảnh báo nó vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức hoặc điều trị thích đáng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 85% số người trung niên ở các nước thu nhập trung bình và thấp không được điều trị trầm cảm. Nhìn chung, bệnh nhân trầm cảm thường không được chẩn đoán chính xác, có người không mắc bệnh lại bị chẩn đoán sai và kê thuốc chống trầm cảm.

Một thách thức khác đối với chẩn đoán trầm cảm là bệnh có tác động khác biệt ở từng người và có thể được kích hoạt từ những yếu tố bất ngờ như nơi ở hoặc thức ăn, khiến bản thân người bệnh cũng không nhận ra vấn đề sức khỏe của mình. Các triệu chứng trầm cảm cũng không phải là luôn buồn bã hay tức giận hoặc đau đầu, mà đau lưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh.

Rối loạn lưỡng cực 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn lưỡng cực (còn gọi là rối loạn hưng - trầm cảm) dễ bị chẩn đoán sai, chẳng hạn, một điều tra của Everyday Health cho thấy có tới 20% số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có thể bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm.

Thông thường, rối loạn lưỡng cực biểu hiện bằng những thay đổi đáng kể trong tâm trạng, nguồn năng lượng và mức độ hoạt động ở cấp độ đủ nghiêm trọng để cản trở sinh hoạt thường ngày. Nhưng các bác sĩ và bản thân người bệnh khó phát hiện vì các triệu chứng có thể trông giống nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Ngoài ra, nhiều người còn có thể mắc rối loạn lưỡng cực cùng với một bệnh tâm thần khác, như rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng chất kích thích hoặc rối loạn ăn uống.

Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD)

Một lý do khiến việc chẩn đoán PTSD đôi khi bị bỏ qua là bởi nó thường xuất hiện ở nhóm đối tượng từng là quân nhân. Trên thực tế, căn bệnh tâm thần này có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi, sau khi họ trải qua một sự kiện đau buồn nào đó trong đời, như thiên tai, tai nạn, mất người thân, bị tấn công tình dục...

Rối loạn ăn uống

Mọi người thường lầm tưởng bệnh này chỉ ảnh hưởng đến những thiếu nữ có thân hình gầy gò, nhưng thực tế nam giới và người lớn tuổi cũng thuộc nhóm có nguy cơ. Theo nghiên cứu của Ðại học Michigan (Mỹ), định kiến về những người mắc rối loạn ăn uống có thể góp phần dẫn tới chẩn đoán và điều trị sai, khiến nhiều đối tượng có khả năng mắc bệnh không được chú ý. Mặt khác, rối loạn ăn uống thường bị bỏ sót do thiếu nhận thức về triệu chứng và sự khởi phát ngấm ngầm của bệnh.

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)

Ðây là bệnh tâm thần nghiêm trọng với biểu hiện liên tục thay đổi tâm trạng, hình ảnh bản thân và hành vi, có thể gây trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Theo Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần, BPD là một trong những bệnh tâm thần bị chẩn đoán nhầm phổ biến nhất. Một lý do là vì triệu chứng của BPD thường “na ná” dạng rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn lưỡng cực. Một nguyên nhân khác là do vấn đề kỳ thị đối với những người mắc BPD. Bản thân người bệnh không muốn tin rằng họ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoặc không muốn người khác biết bản thân đang mắc bệnh này.

Theo các chuyên gia, nếu nhận thấy sức khỏe tâm thần bất ổn hoặc nghi ngờ bản thân đang mắc một dạng bệnh nào nêu trên, đương sự nên liên hệ ngay với bác sĩ tâm thần để được tầm soát và điều trị kịp thời. Ðừng ngần ngại hỏi ý kiến từ gia đình hoặc bạn bè thân thiết để được giới thiệu đúng bác sĩ giàu kinh nghiệm. 

AN NHIÊN (Theo HuffPost) 

Chia sẻ bài viết