12/07/2022 - 09:23

1C - con đường huyền thoại

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương sáu mươi tám

THĂM QUÊ NHÀ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Chú Tư Mau - Phan Văn Nhờ gặp chuyện gay go là tên Tam đầu hàng. Nhưng khi được báo cáo Bộ Tư lệnh Khu 9 tổ chức triệu tập cán bộ hội nghị để sắp xếp tổ chức và bố trí hướng đi mới cho thích hợp, lúc này ở Cái Nứa, các anh Năm Rẫy, Bảy Cứng, Ba Nông Dân gặp lại chú Tư Mau thoát nạn và cải dạng để tiếp tục vận chuyển thì mừng lắm. Chú Năm Hải - Tư lệnh Quân khu chỉ thị điều đồng chí Chánh ủy đi công tác khác, chú Tư làm Trưởng đoàn kiêm Chánh ủy luôn. Chú Năm Hải dặn chú Tư không được tiếp xúc ai ngoài đồng chí bảo vệ, cố giữ bí mật là chú Tư đã chết, lấy tên khác mà chú Sáu Nam có bàn là tên Sáu Thuận. Vậy chú Tám Võ Văn Kiệt tên Tám Thuận, còn chú Tư Mau tên Sáu Thuận, để kỷ niệm những ngày sống chung hoạt động với nhau.

Khi các chú Năm Rẫy, Bảy Cứng, Ba Nông Dân được điện chú Năm Hải mời lên làm việc với chú Sáu Thuận thì các chú không biết Sáu Thuận là ai. Nào ngờ Sáu Thuận là chú Tư Mau. Hội nghị xong chú Tư Mau cùng các chú tiện đường ghé vào thăm thím Tư.

Chú Năm Rẫy gõ cửa thông báo:

- Chị Tư ơi, chị Tư, tôi là Năm Rẫy với anh Bảy Cứng và Ba Nông Dân ghé thăm chị đây!

Thím Tư Mau mở cửa, hỏi thăm:

- Mấy anh mạnh khỏe hết hôn? Lâu quá mẹ con tôi không được tin tức gì về ba nó cả!

Chú Ba Nông Dân:

- Chị Tư ơi, chị sốt ruột, tụi tôi cũng sốt ruột về anh Tư. Báo Sài Gòn nó đăng anh Tư đã chết. Nhưng Bộ Tư lệnh mình thì chưa có thư báo tử. Vì vậy nên tụi tôi ghé thăm chị và các cháu, coi có tin tức gì không.

Các chú cùng chú Tư Mau vào nhà, lại chiếc bàn gỗ giữa nhà ngồi trên hai cái băng, mà chân băng đóng dính xuống đất. Thím Tư ra phía sau nhóm lửa nấu nước để châm trà. Còn các em, đứa lớn giăng câu, mấy đứa nhỏ thì đã ngủ. Giây lát thím Tư lên, khêu ngọn đèn con cóc cho sáng, bưng để giữa bàn, chỗ bình trà và mấy cái tách thím vừa đem ra.

Chú Tư Mau:

- Thím Tư ơi, lâu nay dù có tin đồn đãi và báo đăng như vậy, nhưng chú Tư có len lỏi về đây thăm thím và các cháu lần nào không.

- Ông nhà tôi lâu nay không thấy về. Nhưng mới đây ổng có về một lần.

Thím Tư nói như vậy mà gương mặt tỉnh trân. Thím cũng không nhìn thẳng vào chú Tư, làm cho các chú và chú Tư có vẻ ngạc nhiên tự hỏi. “Ủa, mình về hồi nào kìa” - chú Tư nghĩ”. Còn mấy chú thì nghĩ “Anh Tư ảnh về nhà hồi nào mà ảnh không báo cáo tập thể vậy cà?”.

Chú Tư Mau lại hỏi:

- Chú Tư  về thăm thím và các cháu lúc nào vậy thím Tư?

- Dạ, cũng mới đây thôi anh! - Thím Tư ngừng nói một lúc, nhìn thẳng vào chú Tư, nói tiếp - Ông nhà tôi mới về thức thời, về ngay bây giờ đó anh!

Nghe thím Tư nói vậy, tất cả cười xòa! Các chú nghĩ rằng công trình cải dạng năm sáu chỗ trên mặt, trên đầu chú Tư, kể như không ăn thua gì đối với thím Tư cả!

Chú Bảy Cứng hỏi:

- Chú Tư cải dạng hết sức công phu, lại cho tung tin đồn là đã chết. Mà sao thím nhìn được chú Tư nhanh chóng và dễ dàng như vậy?

- Tôi đâu có hay ông nhà tôi cải dạng. Nhưng khi các anh cùng ổng bước vào, dù đèn nhá nhem, tôi đã nhận ra ngay. Vợ mà không biết chồng mình là ai, thì còn ai biết nữa. Thằng giặc nó ngu, nên ta cải dạng gạt nó. Chớ ổng làm sao gạt tôi nổi!

Các chú và chú Tư phục lăn thím Tư. Tất cả cười vui ồn ào, rồi bắt gà mái ấp trong ổ dưới sàn, cắt cổ nấu cháo chiêu đãi các chú. Gian nhà của người Ðoàn trưởng 195, cũng là Ðoàn trưởng Ðoàn 962 - kiêm Chánh ủy, đóng vai Giám đốc công ty Ngư Long ở Sài Gòn… thế mà tre lá bị gió đánh xiêu vẹo. Giường giạc đều chôn chân xuống đất, cửa nẻo cột bằng dây choại. Ðây là hình ảnh của cuộc sống hậu phương một thời chiến tranh với hình ảnh lu mái bể, để dựa mé mương múc nước bằng gáo dừa tra cán và gàu xà-nách…

Các chú liên hoan bằng rượu đế cho tới gà gáy, rồi cùng nhau xuống vỏ lãi, giựt máy chạy về căn cứ, để chú Tư ở lại thăm nhà. Chú thím ra tận bến tiễn khách…

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết