* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương năm
GIÃ BIỆT TUỔI THƠ
(Tiếp theo)
4. Lạ thật, không ngờ các cô cậu đến nơi đúng hẹn. Mặt trời chưa mọc, đám nhỏ đã tới nơi, nét mặt tươi vui rạng rỡ. Ðêm qua, đối với 5 cô cậu là đêm đáng ghi nhớ nhất đời: Ðêm giã biệt tuổi ấu thơ, tự mình quyết định cuộc xa nhà đem thân đền nợ nước. Các anh chị Quang, Thuần, Ðịnh, Hồng Láng, Út Mản giờ tới đâu? Ở đâu? Có biết mai nầy các em đuổi theo để “nhập bọn” hay không?
Phải thức tới gà gáy mà giả đò ngủ, không dám rọ rại, sợ cha mẹ, ông bà hay được thì coi như “huề”, cuộc trốn gia đình để đi cứu nước, trả thù nhà phải hết sức bí mật. Ốc Tiêu rón rén hôn em bé đang nằm bên mẹ, lòng dấy lên câu nói thân thương “Chị đi nghen em, con đi nghen má” âm thầm. Hải Tặc hàng ngày rắn mắc liếng khỉ, nhưng đêm cuối cùng rời nhà, thấy mẹ nghèo khó quá, “Mình đi, ai cắm câu giăng lưới, đặt trúm, tát mương bắt cá bán mua gạo nuôi em”. Cậu nhẹ nhàng lấy cây nhang đốt cặm lên bàn thờ cha vái thầm thì “Cha ơi, con đi trả thù cho cha, cha hãy theo phò hộ cho con nghen cha!”. Kim Lài, Thanh, Bé Tư đều có những tình cảm bi thương xúc động khi biệt ly. Bé Tư ngồi thật khuya, chong đèn vá mấy chiếc quần áo rách của đàn em thơ, để mai sớm bỏ chúng ra đi, có biết còn ngày trở lại bên các em không? Kim Lài thức vấn thuốc cho ông ngoại thật nhiều. Lài thầm nghĩ “Ngoại ơi, con trốn ngoại, trốn mẹ con ra đi để đền ơn nước, nếu mai về mà ông đã qua đời, thì mấy điếu thuốc nầy là cách báo hiếu lần cuối của đứa cháu gái…”. Thanh cũng vậy, khuya cô dậy sớm nấu cơm cho cả nhà, để sáng cha mẹ ăn đi làm rẫy, rồi cô mới thu xếp cuộc chia tay.
Giờ, họ đã có mặt đầy đủ là 5 chị em, do Út Thanh chỉ huy, cô hỏi:
- Hải Tặc, cậu vẽ xong sơ đồ hành quân cho tổ mình chưa?
- Rồi, rồi nè chị. Ðể em lên “sa bàn” cho mấy chị xem.
Tấm bìa tập vở học trò, được Hải Tặc kẻ vẽ công phu, Lộ Cái Sắn chỉ là một gạch xanh giữa trang giấy xám, song nó khởi sự có hồn khi Hải Tặc chấm phá mấy nét chì xanh đỏ. Hải Tặc thuyết minh:
- Chị em mình giờ đang đứng ở đây, ngôi sao nầy là đình Phong Lạc. Ðường kinh 14 là gạch thẳng dính vào rừng U Minh Thượng, còn đầu kia là Kinh Xáng Thới Bình - Huyện Sử. Con sông nầy là Bến Bàu, vút thẳng mũi tên xuyên cánh đồng Giồng Riềng - Long Mỹ sẽ đến con lộ Cái Sắn - khu bà con “Bắc 54” lập dinh điền ở đây. Qua lộ Cái Sắn là ta đến điểm X - nơi các anh chị ta họp điểm để rèn luyện trước khi vận chuyển…
Lạ lùng thay, Hải Tặc nghiễm nhiên trưởng thành, từ tờ giấy bỏ đi, vẽ lên mấy nét mà cậu ta nói vanh vách như tham mưu trưởng một đơn vị lớn. Bé Tư nói:
- Cậu Hải Tặc giỏi quá, từ nay không gọi cậu là “Hải Tặc” nữa. Cậu sẽ là trinh sát viên thật sự cho một chuyến đi chưa từng có của chị em mình. Thôi giờ gom tiền nhau lại, đếm coi chúng ta có được bao nhiêu, giao cho Ốc Tiêu giữ, nó lo hậu cần…
Mỗi đứa đều mở khăn gói, móc túi ra. Hải Tặc lẹ làng nhất:
- Em có 83 đồng!
Ốc Tiêu:
- Mầy làm gì có tiền nhiều vậy, ăn cắp của dân hả?
Út Thanh:
- Ốc Tiêu vô duyên quá!
Thanh rầy bạn, rồi tỏ ý bênh cậu em trai, cô vuốt tóc Hải Tặc. Chỉ đơn giản vậy mà cậu bé xúc động vì từ nhỏ đến giờ, cậu chưa được một lần âu yếm, vỗ về. Bé Tư:
- Bé Tư nè, 210 đồng!
Mọi người ngạc nhiên:
- Hoan hô! làm gì có tiền nhiều vậy?
Chính Kim Lài, Ốc Tiêu cũng ngạc nhiên. Ốc Tiêu:
- 180 đồng!
Ốc Tiêu đếm cho bạn thấy. Thanh giao cho cô bạn nhỏ thêm số tiền dành dụm từ lâu là 160 đồng, Kim Lài 90 đồng. Ốc Tiêu đếm xong, đếm lại một lần nữa, rồi công bố:
- Năm chị em mình, tổ Thanh niên xung phong tí hon của mình có được công quỹ là 725 đồng! Giàu có trông thấy đó nghen!
Kim Lài:
- Số tiền nay đủ mua một chiếc vỏ lãi.
Hải Tặc:
- Ðủ mua một con trâu đực pháo, cỡi đi chơi.
Ốc Tiêu:
- Mua trâu cỡi đi chơi à? Xạo quá!
- Xạo à? Không biết thì chị nín đi, thầy Nguyễn Trung Bỉnh dạy em về trâu nè: “Những trưa cút bắt trên sông. Những chiều trốn học lên đồng cỡi trâu”. Ta lâu tâu tâu!
Hải Tặc rắn mắt đọc bài thơ “Tuổi Học Trò” của nhà văn “Nguyễn Mai” mà thầy Bỉnh đem làm bài học thuộc lòng dạy ở trường Ðất Cháy. Thanh:
- Bài gì lại có “Lâu tâu tâu” kỳ vậy cậu Hải?
- Em quên mấy câu sau nên nói bậy “Ta lâu tâu tâu!” cho qua truông vậy mà.
Cả đám cùng cười và cậu bé lại bị mấy chị “ký” vô sọ đầu “cốc cốc”, đến phiên Ốc Tiêu thì bị Hải Tặc sửng cồ:
- Con nhỏ nầy không được vô phép à nghen, cái đầu tôi thờ “Binh gia Ông Cựu” đó nghen. “Bà” rớ vô một cái là té ngửa liền nghen.
Hải lườm Ốc Tiêu thách thức:
- Mày làm thử coi.
- Sao mấy chị cú hì hì vô đầu mầy được?
- Mấy chị thì được, bà thì cấm, đó là lệnh. Hiểu chưa?
Thanh:
- Thôi, nghiêm chỉnh lại cái đi! Bàn kế hoạch hành quân nè. Hải, cậu lấy sơ đồ ra dò kỹ lại coi.
Hải lấy tờ bìa tập có vẽ chi chít đường bút chì màu ngang dọc ra, lấy que cây chỉ vào giải thích như lần trước rồi kết luận:
- Phải có giang người ta lên Bến Bàu, lên đó mua xuồng “vỏ gòn” Cần Thơ bơi đi tiếp.
Kim Lài:
- Xuồng vỏ gòn à? Thôi đi, té “thấy mẹ” hết. Nó lắc còn hơn cái trứng vịt khẻ mỏ nữa!
Thanh:
- Thôi tới Bến Bàu hẳn hay, giờ đón xuồng có giang. Ðứa nào có duyên đón bà con hỏi thử…
Nói rồi năm cô cậu thu xếp hành lý, cất giấu tiền bạc, chia làm năm gói đều nhau, sợ bị lạc, mỗi người đều có tiền để xoay xở. Chúng dắt nhau ra bờ sông, núp vào một lùm cây, chỉ để một đứa đứng ra bến đón ghe thương hồ qua miệt Thứ mua khô, hỏi “có giang đường” để đi theo anh chị thanh niên xung phong cứu nước…
(Còn tiếp)