05/01/2022 - 09:39

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương năm

GIÃ BIỆT TUỔI THƠ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Theo sự chỉ đạo của Khu đoàn, đồng thời với các Tỉnh đoàn trong Khu, Tỉnh đoàn Cà Mau hội nghị khẩn cấp ở Rạch Láng, xã Phú Mỹ, Tân Hưng Tây - nơi bọn Tàu Phù Nguyễn Lạc Hóa ăn thịt người (chúng lập Biệt khu Hải Yến) xây Dinh điền và cất nhà thờ ở đó…

Đồng chí Năm Bang thay mặt Khu đoàn tham dự cuộc họp nầy, truyền đạt nghị quyết của Khu ủy do đồng chí Mười Khẩn trực tiếp chỉ thị thành lập Liên đội Thanh niên xung phong 1C - kết hợp chặt với Đoàn 195 - Cục Hậu cần Quân khu IX để vận chuyển vũ khí, đạn dược từ bên kia biên giới Vĩnh Tế về Tây Nam Bộ.

Cán bộ Tỉnh đoàn Cà Mau như Ba Trần, Năm Trấn, Năm Chiến… tiếp thu nghị quyết nghiêm túc, nhiều đồng chí cán bộ Tỉnh đoàn xung phong theo đơn vị, trực tiếp tham gia vận chuyển, sống chết với tuyến đường - trong đó có Tám Thơi, Ba Nơi,  Bảy Năng…

Bấy giờ phong trào tỉnh Cà Mau phát huy thắng lợi những cuộc đấu tranh chính trị năm 1966, có 21.000 đồng bào Đầm Dơi, Cái Nước, sông Ông Đốc, Thới Bình, Châu Thành kéo vào thị xã đấu tranh chống bắt lính, chống rải chất độc hóa học, ném bom napal, bắn pháo, dội bom bừa bãi… Hàng ngàn, hàng vạn người trào sôi căm uất, xô xát với cảnh sát và cuối cùng buộc Tỉnh trưởng Phạm Văn Út phải chấp nhận yêu sách.

Về vũ trang, ngày 14 tháng 7 năm 1966, Tiểu đoàn U Minh tỉnh Cà Mau phục kích tại Kinh Đòn Dong xã Tân Hưng Tây, diệt Tiểu đoàn 470 và 1 trung đội thám báo của bọn tàn quân Quốc Dân Đảng - tụi Bình Hưng khát máu người. Ta diệt 245 tên - trong đó có tên Thiếu tá Vòng Cá Hồ, bắt sống 29 tên, thu toàn bộ vũ khí và 12 máy PRC25 - trận thắng này dẫn tới biệt khu Hải Yến - Bình Hưng bị xóa sổ, Nguyễn Lạc Hóa bị cách chức và phải lưu vong…

Cà Mau có phong trào “Dập pháo” bằng lúa, mỗi trái pháo 10 giạ, có người “dập” 15, 20, 30 quả pháo - tức đóng góp hai, ba trăm giạ lúa để nuôi quân chiến đấu. Phong trào tòng quân rầm rộ, hơn 10.000 thanh niên nhập ngũ, đưa lên miền Đông cho Trung ương Cục hơn 3.000 quân (tính từ sau Đồng Khởi, Cà Mau đã giao cho Trung ương Cục hơn một vạn quân).

Vai trò nữ thanh và thiếu nhi nổi bật trong các phong trào:

Kiện tướng Dương Thị Cẩm Vân có mặt tại chiến hào bao vây đánh lấn Chi khu Đầm Dơi suốt 100 ngày đêm, đào giữ chiến hào và bắn tỉa diệt nhiều địch (sau hy sinh ở lộ Vòng Cung - Cần Thơ).

Ở các đô thị, hàng chục nữ thanh là ni sư tự thiêu phản đối Mỹ - ngụy (ngày 3-10-1967, ni cô Trí Túc tự thiêu ở chùa Bảo An - Cần Thơ. Ngày 6-12-1967 cô giáo trẻ Huỳnh Thị Mai tự thiêu trước sân chùa Từ Nghiêm - Sài Gòn…). Phong trào Phật giáo và binh sĩ ly khai dấy lên dữ dội chưa từng thấy, tạo khí thế chung cho Cách mạng Miền Nam.

Phong trào vũ trang, lực lượng nữ trực tiếp tham gia với chất lượng cao:

Ngày 18-10-1966 cô Hà và em và Hạnh dùng ghe chở trái bom 150 cân Anh, đánh Quân đoàn 25 của địch ở đầu cầu Quay Cà Mau. Một tuần sau, nữ du kích Nguyễn Thị Nho hướng dẫn Tiểu đoàn ta hóa trang như lính giặc hành quân ban ngày 13km, tập kích diệt 1 đại đội Bảo an đồn Hộ Phòng (Giá Rai).

Với nhiều chiến công oanh liệt khác của tuổi trẻ Cà Mau, cũng như tuổi trẻ khắp Tây Nam Bộ, trên cơ sở đó, Khu đoàn chấp hành chủ trương thành lập Đội Thanh niên xung phong và theo sự chỉ đạo trực tiếp của Khu đoàn, các Tỉnh đoàn quyết định đơn vị mình mang tên các anh hùng lực lượng vũ trang: Nguyễn Việt Khái, Mai Thanh Thế, và mang tên quê hương Tây Đô, Hòn Đất…

Khi Ban chỉ huy Liên đội I họp thành lập tại kinh Kiểm Lâm, Cái Nứa, U Minh Thượng, thì đơn vị Nguyễn Việt Khái I được Tổng đội Thanh niên xung phong của Trung ương Cục trưng dụng. Số thanh niên xung phong nầy cùng với 1C Tây Đô Quyết thắng và 1C Thanh niên xung phong Hòn Đất (đưa lên sau đó) cùng phục vụ trận chống càn ác liệt của “Công trường 9 - Sư đoàn 9 lúc Mỹ đánh phá “Thánh đường của Cộng sản” - chiến khu Đ.

Phía Mỹ, năm 1966 chi cho cuộc chiến tranh Việt Nam 4 tỉ đô-la. Năm 1967, chi phí tăng lên 30 tỉ đô-la. Tiến hành chiến tranh cục bộ vơi hơn nửa triệu lính Mỹ và hơn 1 triệu lính ngụy. Ngày 29-4-1970, Mỹ tung 10 vạn quân đánh 6 tỉnh biên giới Nam Việt Nam - Campuchia. Ngày 2-5-1970, tướng ngụy Nguyễn Viết Thanh bị tai nạn máy bay chết, tướng Ngô Dzu, rồi tướng Ngô Quang Trưởng về nắm vùng 4 chiến thuật, Tây Nam Bộ tăng lên 13.000 cố vấn Mỹ…           

Đó là mấy nét tượng trưng cho bối cảnh lịch sử, lúc hình thành Thanh niên xung phong tuyến đường 1C…

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết