Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương bốn
PHÁT ĐỘNG VÀ NHẬN QUÂN
(Tiếp theo)
7. Ðường làng, dẫn đầu đoàn lân là chú Năm Ðoàn. Một cậu thanh niên tay cầm loa, đám con nít thì nhảy long tong theo nhịp trống, có đứa cũng đóng vai Lân và Ðịa. Theo sau là người lớn. Tiếng của cậu thanh niên do Khu đoàn cử đọc lời tuyên truyền:
- Nghe đây, nghe đây. Tiếng loa chống Mỹ cứu nước, đáp lời Bác Hồ kêu gọi! Là thanh niên chúng ta phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Khu đoàn vận động thanh niên tuổi từ mười tám trở lên, tối nay dự lễ ghi danh nhập ngũ sẽ tổ chức tại sân đình làng. Mời tất cả nam nữ thanh niên lứa tuổi nói trên đến ghi danh tình nguyện bảo vệ Tổ quốc. Ðặc biệt có biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con với nhiều tiết mục hấp dẫn do Khu đoàn tổ chức. Kính mời quý bà con và các bạn trẻ đến tham gia đông đủ. Nghe đây, nghe đây… cơ hội ngàn năm có một…
Tiếng loa cứ thế lặp lại nhiều lần.
Các cô gái trên tay mỗi người vẫn còn cầm một cục sình, ngơ ngác nhìn về hướng có tiếng loa, không ai bảo ai, các cô đồng loạt quăng sình xuống nước vội vàng leo lên bờ, mình ướt sũng, các cô đứng nép vô rẫy bắp nhìn đoàn người vận động tòng quân đi qua. Các cô gái trẻ cũng vui lây với không khí rộn rịp của quê nhà. Út Mản theo mọi người núp vào các cây bắp. Sau khi đoàn lân qua rồi Út Mản lên tiếng:
- Sao mình không về ăn cơm còn ở đây làm gì?
Ốc Tiêu:
- Mấy chị ơi, tối nay có văn nghệ vui lắm.
Thanh:
- Vậy tối nay mình đi xem.
Hồng Láng:
- Vậy cơm xong mình ra làm cỏ liền để chiều còn kịp đi coi văn nghệ.
Tất cả đồng tình, kéo nhau đi.
8. Sân đình Phong Lạc, nơi các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Giao Vàm đến chọn đình thần làm điểm họp. Những chiến sĩ cách mạng tiền bối như đồng chí Trần Văn Thời, Trần Văn Ðại, Quách Văn Phẩm, Phan Ngọc Hiển, Văn Trung Thành… từng hoạt động ở đây. Giờ lớp con cháu lại đến đất lịch sử nầy để tòng quân nhập ngũ. Những ngọn đèn “măng-xông” treo quanh sân khấu sáng rực một vùng. Ðội văn nghệ đang hợp ca bài “Lá Xanh”, có múa minh họa.
Phía dưới sân, người ngồi dày đặc, mấy đứa trẻ nít không ngồi yên, thỉnh thoảng chúng vụt khỏi sự kềm chế của người lớn, chạy bung ra ngoài nô đùa. Nhóm Hồng Láng, Thanh đã chia ra nhiều cụm, Ốc Tiêu thì ngồi cạnh mẹ, Hải Tặc cũng bị má khống chế, không được ngồi cùng đồng bọn. Quang, Thuần, Ðịnh ngồi chung với nhau. Thanh thì ngồi chung với Út Mản, Bé Tư. Kim Lài cũng ngồi với ông bà. Tất cả căng mắt nhìn về phía sân khấu chờ giây phút thiêng liêng nhất. Ðó là lúc ghi danh tòng quân. Quang là người bồn chồn nhất, cậu cứ nhúc nhích không ngừng. Ðịnh bực bội về thái độ của Quang, lên tiếng phản ứng:
- Làm gì mà mầy giống như gà mắc đẻ vậy Quang?
- Tao sốt ruột.
Thuần trêu chọc:
- Người ta ngồi phía bên kia kìa, chút nữa gặp, có gì mà nôn nao? Nhưng người ta có để ý gì tới mày đâu mà xốn xang cõi lòng.
Ðịnh và Thuần cười. Quang nói:
- Mấy ông xàm quá, tôi nôn nóng chờ lên đăng ký tòng quân.
Thuần:
- Có phải vậy không?
Họ lại cười chọc quê Quang, Quang bực dọc im lặng. Tuy họ nói không chính xác về chuyện Quang, nhưng dù sao họ cũng đoán đúng một phần. Thật ra đi tòng quân để trở thành một người lính chính quy là ước nguyện của Quang, nhưng bây giờ ra đi là điều nhất mực cần thiết, bởi vì Quang đã công bố điều đó với Mản lúc trưa. Quang phải chứng minh cho Mản thấy được dũng khí của mình, và cũng để cho Mản thấy rằng con trai vùng đất này sống có lý tưởng chứ không như cô nói. Nghĩ điều này, môi Quang mím chặt, mắt sáng hơn, chứa đựng một quyết tâm cao độ.
9. Phía sau sân khấu, hai cậu thanh niên đang bơm hơi hai chiếc đèn “măng-xông”. Năm Ðoàn đứng với vài vị cao niên, anh hối thúc:
- Nhanh lên đi mấy cậu, bài “Lá Xanh”sắp hết rồi, khi thanh niên lên đăng ký thì cần phải sáng hơn. Còn nữa, khi tôi ra phát biểu, các cậu khiêng hai chiếc bàn kia và ghế ngồi. Cho tôi và chú Chín ngồi ghi danh sách thanh niên tình nguyện nghen!
Chú chỉ vào người đàn ông có tuổi đứng cạnh mình. Hai chiếc đèn cũng vừa đốt xong.
- Còn hai bạn trẻ thì đặt hai cây đèn “măng-xông” này vào hai cái bàn để tăng ánh sáng cho dễ làm việc.
Vừa lúc đó tiếng vỗ tay phía bên ngoài vang lên. Tiếng xướng ngôn nói vọng vào:
- Chương trình văn nghệ tạm dừng lại ít phút, tiếp theo chương trình là phần phát biểu của đồng chí Bùi Tấn Sĩ tức đồng chí Năm Ðoàn - Khu đoàn Ủy viên.
Tiếng vỗ tay vang lên. Chú Năm Ðoàn chuẩn bị bước ra, xuất hiện một cách trang nghiêm. Bầu không khí yên lặng lạ thường.
- Kính thưa bà con cô bác và các bạn thanh thiếu niên thân mến. Hôm nay tôi thay mặt Khu đoàn thanh niên xin có đôi lời cùng bà con.
Kính thưa bà con và đồng chí, đồng bào. Những năm qua, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta có nhiều chiến công to lớn cũng chính là nhờ vào sự đóng góp sức người, của cải của toàn dân. Lời Bác dạy luôn ở trong mỗi trái tim của chúng ta “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bà con đã hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con thân yêu nhất của mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước .
Hôm nay một lần nữa Cách mạng kêu gọi tinh thần hy sinh cứu nhà, cứu nước của bà con, tiếp tục cho con em mình gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong để vận chuyển vũ khí, đạn dược. Dù nhiệm vụ vận chuyển sẽ rất vất vả, gian nan nhưng chúng ta chấp nhận gian khổ hy sinh để cho mai sau con em chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Vì thế, chúng tôi tha thiết kêu gọi những tấm lòng yêu nước của bà con, các bạn thanh niên hãy vì nước mau gia nhập vào lực lượng Thanh niên xung phong. Xin mời các bạn lên khán đài đăng ký. Chúng ta vâng lời Bác Hồ kêu gọi “Thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”(1)! Cả nước quyết tâm đánh bại cuộc Chiến tranh cục bộ do Mỹ ào ạt đưa quân vào niềm Nam, thanh niên Cà Mau - Tây Nam Bộ chúng ta sẵn sàng ra trận đối đầu với chúng. Ta nhất định thắng! Ðịch nhất định thua! Mời các bạn ghi tên đăng ký…
Chú Năm giơ cao nắm đấm lên, tiếng của anh vang xa giữa trời đêm tĩnh mịch, hòa cùng tiếng thét của nam nữ thanh niên vùng Ðầm Thị Tường:
- Quyết vâng lời Bác. Xin thề, xin thề, xin thề!
Sau đó hàng loạt thanh niên phóng lên chật khán đài. Người đi đầu là Quang, theo sau là Thuần, Ðịnh. Phía con gái có Hồng Láng, Út Mản và nhiều cô cậu khác, đưa danh sách tòng quân lên hơn trung đội. Tiếng vỗ tay lúc xướng danh như dậy sấm.
(Còn tiếp)
-------------------------------------------
(1) Câu nói của một nhà thơ kháng chiến lão thành, được Bác vận dụng