29/12/2021 - 15:26

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

2. Chú Năm Hạnh nói tiếp:

- Bây giờ, chúng ta nên dự kiến thành phần Ban chỉ huy Liên đội, bước đầu cần có 4 đồng chí. Ðồng chí nào tự thấy mình nhận được nhiệm vụ khó khăn này, giơ tay lên.

Ðồng chí Năm Hạnh nói vừa dứt lời, nhiều cánh tay giơ lên với tiếng hô “Tôi”, “Tôi”. Cô Út Nhì cũng hăng hái giơ tay. Một đồng chí can ngăn:

- Ðồng chí Út Nhì có tinh thần cao, song sức khỏe yếu, tác phong chậm, sợ không thích hợp.

Út Nhì:

- Tôi không có chồng con, gia đình tôi gọn nhẹ, tôi có hy sinh không sao cả, so với với đồng chí khác có mẹ già, con nhỏ khó khăn hơn tôi. Tôi đi là hợp lý!

Cô Út Nhì cương quyết ra chiến trường 1C với các bạn trẻ. Cô nói:

- Nam thanh niên, ta đưa đi tòng quân vào các đơn vị bộ đội hoặc đưa thẳng lên “R” gần 11.000 bạn trẻ. Ðợt này ta lấy quân thanh niên xung phong, nhiều vùng sẽ không có nam thanh niên, chỉ có thiếu niên và thiếu nữ. Tôi chắc là sẽ có các em, các cháu rất đông là nữ, họ cần có tôi bên cạnh để chăm sóc trong công tác và chiến đấu. Còn đồng chí nói tác phong tôi chậm, tôi sẽ sửa cho nhanh lên để đáp ứng công tác.

Ðồng chí Năm Hạnh thăm dò ý kiến của mọi người:

- Các đồng chí thấy thế nào?

Tất cả giơ tay hô to:

- Nhất trí đồng chí Út Nhì đi.

Chú Năm Ðoàn giơ tay phát biểu ý kiến:

- Tôi xin đi, vì đồng chí Bí thư Khu ủy dặn dò tôi nhiều việc quan trọng. Tôi đi để chỉ huy và vận động các em, các cháu làm nhiệm vụ vận chuyển.

Cô Sáu Dân nãy giờ chưa có ý kiến, cũng giơ tay xung phong lên tuyến 1C:

- Tôi, quê Hồng Dân Rạch Giá - Hà Tiên, tôi rất rành chiến trường biên giới Vĩnh Tế, tôi xin đi cùng chị Út Nhì và anh Năm Ðoàn.

Tất cả hội nghị vỗ tay tán thành. Ðồng chí Năm Hạnh thay mặt Khu đoàn tuyên bố:

- Vậy là ta đã có Ban chỉ huy Liên đội. Bây giờ, các đồng chí hãy nghe phân công. Ðồng chí Trịnh Ngọc Châu - Khu đoàn Ủy viên Thường vụ, Bí thư Chi bộ cơ quan Khu đoàn làm Chánh ủy Liên đội I. Ðồng chí Bùi Tấn Sĩ (Năm Ðoàn) Khu đoàn Ủy viên làm Liên đội trưởng Liên đội I. Ðồng chí Trương Thị Nhị (Sáu Dân) Liên đội phó Liên đội I.

Tiếng vỗ tay rào rào như sóng. Mọi người tràn đến ôm hôn ba đồng chí tự nguyện ra chiến trường 1C mà ai cũng dự kiến là khó khăn. Cuộc họp giải tán.

Anh em trong cơ quan soạn đồ tặng: nào khăn, nón, áo quần, dầu, xà bông, sổ tay, viết bic với biết bao lời nhắn nhủ dặn dò tha thiết nhất. Mấy cô bạn gái vây quanh cô Út Nhì:

- Ðịa chỉ ở đâu cho biết đi, có việc gì cần cơ quan báo về nhà cho.

- Cầm theo chai dầu phòng khi cảm cúm mà dùng.

 Một cô khác tặng Út Nhì cây kẹp “ba lá” với những lời trìu mến:

- Tặng cây kẹp nè, chừng đi công tác nhớ kẹp tóc gọn gàng, đừng để nó vướng víu khi lội rừng.

Cô Út Nhì xúc động rơi nước mắt, cô cảm ơn mọi người rối rít. Còn với anh Năm Ðoàn thì:

- Anh đi cơ quan mất một cây văn nghệ.

- Có gì khó khăn biên thư cho tui nghe cha.

Ðồng chí Năm Hạnh cũng đến bên Năm Ðoàn, hỏi ghẹo cắc cớ:

- Ði thiệt vậy hả?

- Chứ sao! Tập thể nhất trí mà!

- Gia đình vợ con tính sao?

- Bà Cúc giỏi lắm. Bả tự lo cho mình và đàn con được mà! Ðàn bà con gái Rạch Láng can cường lắm.

- Thôi, ông đi đi để tôi lo tiếp việc nhà cho.

Hai chú Năm nhìn nhau, liếng khỉ nhắc lại chuyện “đi làm rể” và chuyện “giặt đồ vần công” rồi cùng cười. Trước phút chia xa biết mai nầy ai còn, ai mất. Ở một góc khác, cô Sáu Dân viết thư cho má và anh cán bộ được má kén làm rể đông sàng.

“Anh Tám mến!

Chắc anh và má em hy vọng em về nhà để thành hôn cùng anh. Em nghĩ đối với anh đó là việc chính đáng. Nhưng hôm nay, em đăng ký ra tuyến đường 1C - vùng biên giới ác liệt, ngày đêm đương đầu với cái chết, em muốn rảnh rang để yên tâm làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó! Em gởi lại lá thư này báo tin cho anh và xin hãy để cho em đi công tác nơi miền hỏa tuyến, gác chuyện lập gia đình lại một bên. Anh nên tìm nơi khác xây dựng tình cảm thì thích hợp hơn em vì từ nay em là nữ chiến binh nguyện quên mình hy sinh vì đất nước. Vĩnh biệt anh!

  Sáu Dân”

Cô xếp thư lại, cuốn tròn rồi nhét vào ống sậy đài câu, chờ sáng nhờ liên lạc giả người giăng câu chuyển đi qua vùng giặc chiếm đóng, trao cho gia đình. Không khí cơ quan sôi động, các chị phụ vận “Gánh chị Bảy Lê” đem vật thực qua nấu chè, nấu cháo… chiêu đãi tiễn đưa cán bộ cơ quan bạn ra trận. Sáu Nhứt uống rượu chuối cao hứng múa “À day”, Mười Nho lại ngâm thơ, chị Út Nhì hát bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sĩ Trần  Kiết Tường. Cả tập thể nhảy ngựa với bài “Kỵ binh Việt Nam”: “Dưới ánh ô vàng rầm rầm rầm… đoàn hùng binh ta tiến cuốn gió cát. Vó câu rập ràng trùng trùng cờ hồng lấp lánh bay trong oai nghiêm…”.

Mấy ba, mẹ chiến sĩ và các bạn thanh thiếu niên ở xóm đem quà vật lủ khủ tới cùng các anh chị Khu đoàn liên hoan văn nghệ suốt sáng. Hừng trời mới chấm dứt.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết