25/12/2021 - 23:53

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai
TẠI NÚI MO SO

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Con đường vào núi Mo So vừa bắt nắng sáng, mấy chiếc xe con lăn bánh nhẹ nhàng. Quần đảo Bà Lụa và quần đảo Hải Tặc lùi dần ra phía biển, dãy núi Bình An, Sơn Trà, Bãi Voi… như từ quá khứ hiện lên thu hút đoàn người.

Núi Nhỏ dựng phía sau con đường: dừa, xoài chen khe đá, che khuất vết đạn xưa, gợi cuộc chiến ác liệt hơn 30 năm trước.

Đoàn cán bộ lão thành chọn Mo So làm điểm họp - vì Mo So là Trạm xá 195 -Thanh niên xung phong của tuyến đường 1C. Mo So là pháo đài, là kho trung chuyển vũ khí - tài vật của ta như một cột mốc lịch sử… nên bộ phim “Con đường huyền thoại” lấy Mo So làm nơi xuất phát.

Đoàn cán bộ lão thành là nhân chứng lịch sử: chú Bảy Thủy, chú Năm Đoàn… Nói chung là các cô chú Khu đoàn và Đoàn 195 Cục Hậu cần Quân khu IX : chú Bảy Lúa, chú Sáu Hoảnh, chú Trần Thâu, chú Hai Đính...

Đoàn 962: chú Bảy Nhỏ, chú Út Hết, chú Tư Ngoan… và các cô chú ở tỉnh Kiên Giang: chú Hai Cầu, chú Năm Loan, chú Năm Tân, chú Năm Rự, chú Bảy Lam, cô Năm  Liễu, cô Tư Ngần…

Tất cả cô chú, anh chị đều liên quan mật thiết - gắn bó tuyến đường 1C anh hùng, nhiều thế hệ cùng về Mo So họp mặt.

Mo So như chào đón người xưa, mỗi hốc đá, cửa hang giữ biết bao kỷ niệm. Qua lòng núi đến thung lũng là lán trại của chú Chín Tần - bác sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cùng nhà thơ Nguyễn Bá ra đón khách. Chú Chín Tần:

- Tôi và Nguyễn Bá nấu nước suối pha trà chờ khách quý đó. Các đồng chí đi đường có mệt lắm không? Tôi có thủ thuốc “Dưỡng nhi đãi lão đây”.

Chú Năm Đoàn:

- Già Chín Tần nhờ vậy mà “Đi dân nhớ, ở dân thương” nghen!

Chú Chín Tần:

- Đúng vậy, tôi và chú Bá “thâm nhập lại” lịch sử tuyến đường, để góp tư liệu vào bản anh hùng ca bằng phim của chúng ta!

Chú Nguyễn Bá:

- Và đến trước vậy để xây “doanh trại” đón khách quý!

Chú Năm Đoàn:

- Các anh chị đều biết Mo So là một trong những lũy thép của thanh niên xung phong và Đoàn 195 - cũng là nơi dừng quân của hai Trung đoàn Lộc Ninh, Sông Hương trên đường di chuyển về miền Tây, góp sức chiến đấu giữ vững căn cứ U Minh và đồng bằng sông Hậu, thời điểm nguy nan nhất của ta, ta có mẹ hiền Mo So, cho ta công sự và áo giáp.

Chú Chín Tần:

- Quần thể Mo So bao gồm Núi Quỷnh, Bãi Voi, Sơn Trà, Núi Nhỏ. Tuyến biển có Núi Cá Sấu, Kích Sơn, Hòn Chông; phía Tây Nam có Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Sóc… giăng giăng thế trận. Sau hai bờ biên giới Vĩnh Tế, nơi đây là chiến trường khốc liệt thứ hai của tuyến 1C.

Chú Năm Đoàn:

- Từ cuối năm 1968 - sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy của ta, con số đồng chí và đồng bào ta ngã xuống đến hơn ngàn. Địch chết gấp hai lần ta - vì ta có núi rừng che chắn…

Một phóng viên hỏi:

- Thưa chú, Mo So có nghĩa gì, núi được hình thành như thế nào?       

Chú Nguyễn Bá đáp:

- Mo So, tiếng Khmer là Đá Trắng. Các nhà địa chất Pháp cho rằng tuổi đá vôi vùng Hà Tiên - trong đó có Mo So - là 240 triệu năm, nhưng do những dao động của trái đất dữ dội, chúng được kiến tạo không cùng lúc, Núi Sam mới có 6,7 triệu năm; Côn Đảo 70 triệu năm, còn các nhà địa chất Mỹ, dùng phương pháp K/A2 xác định tuổi đá Gra-nit ở Hòn Khoai là 183 triệu năm… Nhiều lượt biển thoái, biển tiến: biến núi thành hòn và biến hòn thành núi… nối nhau diễn ra như chiến tranh, nhào nặn vùng đất thiêng thêm vững chãi, để sau nầy nâng bước hùng dũng của bộ đội và thanh niên xung phong trên tuyến đường huyền thoại. Núi thuộc về chúng ta, như cha mẹ, như anh em, như người yêu, như đồng đội. Núi cùng người kiên cường chiến đấu… cho nên núi phải được vào phim như chúng ta vậy! Phải không nhà báo?

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết