24/12/2021 - 07:45

1C - con đường huyền thoại 

CHƯƠNG MỘT

KHU ỦY CHỈ THỊ LẬP TUYẾN ÐƯỜNG 1C

(Tiếp theo)

3. Dang ca một hồi, nước giật ròng. Miệt sông Ðầm chịu hệ bán nhật triều chảy thẳng ra biển Ðông - một nhánh đổ về Tam Giang mãnh liệt, nên khó lòng chèo nước ngược vào Khu ủy làm việc được. Nhưng đồng chí Bí thư Khu ủy đã xếp lịch ưu tiên cho Khu đoàn, chú Năm và chú Thủy vừa chèo vừa bơi cho chiếc xuồng ba lá bay trên dòng nước ngược. Hai chú vượt qua sông Cái Bẹ, Dầy Chảo rồi vào rạch Cái Hộc. Ðây là vùng đất “đi bằng tay” tức là dùng tay cầm dầm chèo điều khiển xuồng đi. Mấy thế kỷ lưu dân Cà Mau di chuyển như vậy để mở đất và giữ đất. Bộ đội hành quân cũng bằng tay, hàng trăm, hàng ngàn xuồng xông pha bảo vệ Tổ quốc… Trận thủy chiến oanh liệt ở Rạch Gầm, Nguyễn Huệ cũng thu quân từ ngư dân miệt Cà Mau - Rạch Giá quen sông biển…

*

*      *

Trong lung Bông Súng - hữu ngạn Kinh 17 giáp ngã ba Tam Giang, qua rạch Cái Ðuốc, kinh Ông Ðơn, sông Cái Ngay, rạch Nhà Hội… là khu căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ. Nối với rạch Bông Súng có một quần thể mương, xẽo đan xen giao hòa nhau dưới bóng đước cổ thụ um tùm, chang đước cung tay bám sâu xuống đất xám mặn, giữ vững thế đứng uy nghi - Ðó là Kinh Hai Trăm, nơi Tiểu ban Văn nghệ Khu trú đóng.

Chú Nguyễn Bá rời Khu đoàn khi cơ quan ở rạch Chim Ðẻ và Nước Mặn (Ðầm Dơi) đến cộng tác với các nhà văn Nguyễn Phong Triều, Lê Vĩnh Hòa, Minh Thùy, nhạc sĩ Thanh Trần, họa sĩ Lê Ấn, họa sĩ Vũ Ba, họa sĩ Lê Phúc, nữ nghệ sĩ biên đạo múa Nhị Hà, nhà quay phim Châu Ngọc Tiếp, đạo diễn Vũ Sơn… Cơ quan có mật danh là C7 - do nhà văn Hoàng Nghệ làm Trưởng Tiểu ban - từ năm 1965 đã có tạp chí Sông Hậu. Các đoàn văn công ca múa nhạc, đoàn cải lương, đội chiếu bóng… riêng C7 đã có ba, bốn trăm người, cất nhà sàn trong rừng đước xanh mát rợp trời. Những tác phẩm nổi tiếng thời đánh Mỹ được hình thành nơi đây - hay nói một cách khác Tiểu ban Văn nghệ khu là đỉnh văn nghệ vùng đất… Bộ đội, du kích, thanh niên xung phong là đối tượng miêu tả, ngợi ca của những nhà nghệ sĩ đầy nhiệt huyết. Chú Bá quan tâm đến đề tài Khu đoàn và thanh niên xung phong: Sau khi chú Năm Ðoàn đi làm việc với Khu ủy về, chú Bá đón gặp lại để hỏi thêm tư liệu.

*

*      *

Hai chiếc xuồng kề nhau, nhờ bóng rừng che nắng. Dưới lườn xuồng nước chảy xiết như cắt. Lá dà, lá đước, trái mấm… trôi dạt về cửa sông và ùn ùn ra biển. Bên kia sông, chợ Vàm Ðầm sau giải phóng, vừa dựng xây lại, cờ mặt trận tung bay trên phố lá, trên mái nhà cơ quan Mặt trận huyện. Một đám thanh niên nam nữ dẫy cỏ, bắt cầu, nối lại con đường khi rút đi giặc phá hủy. Áng ngữ chiến đấu được dựng lên. Chiến hào, công sự được dân quân đào đắp. Chú Tư Nhu - cán bộ chỉ đạo phong trào du kích chiến tranh Khu, đang động viên lực lượng du kích và dân quân tự vệ xây làng chiến đấu. Mấy cô gái văn công đang ca hát phục vụ. Máy phóng thanh dùng pin khua rồ rồ, rồi họ cất cao tiếng hát bài “Lá Xanh” với câu hát đối đáp sôi nổi giữa hai bè nam nữ. Chờ nghe dứt bài hát, chú Nguyễn Bá hỏi:

- Anh đi gặp anh Mười Khẩn, kết quả thế nào?

Chú Năm Ðoàn:

- Nhận chỉ thị tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong tuyến 1C, qua cách trình bày của anh Mười Khẩn thật thiêng liêng, mà thật cụ thể. Nghe anh chỉ thị, ta sẵn sàng chết để hoàn thành nhiệm vụ. Câu chuyện như thế nầy:

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết