22/12/2021 - 15:33

Lời giới thiệu

1C - con đường huyền thoại

Ca ngợi, vinh danhThanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại, đồng chí Lê Văn Bình, Nguyên Bí thư Khu đoàn Tây Nam Bộ, viết: “Chúng tôi nghĩ rằng Thanh niên xung phong ở tuyến đường huyền thoại 1C là một biểu tượng lý tưởng cách mạng, khí phách anh hùng. Con người rắn chắc hơn cả sắt thép. Trong cuộc chiến tranh ác liệt, con số gần bốn trăm đồng chí đã hy sinh, so với cái chung thì không lớn, nhưng so với tuyến đường thì quá lớn - gần một nửa, hoặc hơn một nửa số anh chị em ở tuyến 1C lịch sử. Có những đơn vị, trong một trận đấu, một chuyến đi, hoặc một thời gian hoạt động… không ai còn sống sót. Thật là kiên cường bất khuất trước mọi thử thách. Vẻ vang thay tuổi trẻ miền Tây Nam Bộ! Chính bộ phận Thanh niên này tiêu biểu lời thề QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC  QUYẾT SINH, tiêu biểu lý tưởng xả thân chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước, thực hiện lời dạy Bác Hồ “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ÐỘC LẬP TỰ DO!”.

Bản thảo bộ sách này đã được thông qua hoàn chỉnh từ những năm 2005, nhưng phải chờ năm 2017 cùng phát hành phim 20 tập cùng tên, nên các Ban biên tập sách và phim gặp trở ngại lớn, thành ra đến nay vẫn  chưa có phim như ý và sách cũng chưa in đầy đủ. Tuy nhiên, báo các tỉnh, đặc biệt báo Cà Mau và Nhà xuất bản Mũi Cà Mau năm 2002 đã in một lần (dù chưa đầy đủ), được triển lãm sách Sách đẹp “1C - CON ÐƯỜNG HUYỀN THOẠI” ở Hà Nội, Bộ Văn hóa Thông tin tặng Bằng khen xếp loại Giải Ðồng, Tổng Bí thư Ðỗ Mười xem qua khen nội dung sách hay! Sau đó, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau (sau là Nhà xuất bản Phương Ðông) tiếp tục in cuốn 2, sách được chào đón và hoan nghinh nhiệt liệt!

Lần này, Nhật báo Cần Thơ in lại cuốn sách quý báu này bằng sự trang trọng khôn cùng trước tấm gương của cán bộ và chiến sĩ 1C đã hy sinh vô bờ để góp nên chiến thắng ngày 30-4-1975; nhắc lại một thời hào hùng oanh liệt của tuổi trẻ đi giải phóng quê hương đất nước bằng những tư liệu lịch sử từ bút ký đồ sộ này - của tác giả: Nhà thơ Nguyễn Bá.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

NGUYỄN BÉ
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

 

CHƯƠNG MỘT

KHU ỦY CHỈ THỊ LẬP TUYẾN ĐƯỜNG 1C

1. Ngã Ba Vàm Ðầm bấy giờ là vùng giải phóng, cách Chi khu Ðầm Dơi của địch hơn 10km, đang bị lực lượng Ðịa phương quân và du kích xã Quách Văn Phẩm bao vây. Dương Thị Cẩm Vân trở thành kiện tướng giữ chiến hào nơi đây… Cô đang ép xuồng vào bóng cây mấm ven sông Ðầm để giới thiệu thành tích “bao vây đánh lấn” và nghệ thuật bắn tỉa của đơn vị mình với phóng viên tạp chí Sông Hậu, thì cô xin ngưng lại, cùng hai đồng đội chèo bơi ào ào đi chận bắt một chiếc xuồng chèo định vượt Ngã ba Vàm Ðầm vào căn cứ Khu Ủy. Sau mới biết chiếc chiếc xuồng “bị tình nghi” đó là xuồng chú Năm Ðoàn… Chú Năm Ðoàn là một cán bộ vui vẻ, tánh rắn mắc, hay trêu chọc anh em - nhất là hay trêu chọc chú Năm Hạnh - sau là Bí thư Khu Ðoàn. “Ðề tài Năm Hạnh đi làm rể” được các chú thêu dệt làm một trong những chuyện vui kháng chiến, như chuyện bác Ba Phi  một thời.

Ðúng lịch công tác “bao vây đánh lấn”, Cẩm Vân đã đưa đơn vị mình vào đợt III. Nắng chiến hào càng làm da thịt các nữ chiến binh Ðầm Dơi thêm mặn mòi. Tuy “Thích vũ trang” nhưng các cô vẫn “Hồng trang” như thường. Mỗi cô có một chiếc kiếng soi mặt tròn nhỏ. Phía sau kiếng lộng tấm ảnh 4x6 của mình - hay của ai đó, lại còn ghi một dòng chữ cung tròn “Kỷ niệm không bao giờ quên”, rồi vẽ một trái tim hay vài ba trái tim quanh đó - có lẽ mỗi người bạn hoặc người yêu của mình, được tượng trưng một trái tim - có khi trái tim ấy đã hy sinh vì Tổ quốc - và mỗi lần soi mặt, nhắc nhớ một mối thù phải trả cho người yêu… Ðó là kiếng, còn khăn tay thêu chỉ đủ màu, nào hình chim bồ câu, chim én, nhạn, trái tim kết đôi… với những câu thơ đầm ấm, thắm thiết:

“Anh đi biết mấy chiến trường

Quê nhà giữ trọn hậu phương em chờ”

hoặc lãng mạn hơn:

“Khăn nầy anh giữ làm tin

Ðợi khi chiến thắng ta nhìn ra nhau”

Chưa hết, còn kẹp bồ câu làm bằng chong chóng bom bi hoặc cánh quạt trực thăng, chất i-nox lấp lánh. Ðó là những “dâu hiền, gái thảo”, những người vợ, người yêu chung thủy, những đứa em gái ngoan hiền… “Giặc tới nhà”, các cô ra trận, súng carbin, AK, “trường bá đỏ” khoác lên vai hiên ngang, làm khiếp đảm quân thù! Cẩm Vân, Thu Vân, Hồng Vân, Thanh Vân, Ngọc Vân… ba đợt bao vây chi khu Ðầm Dơi mùa Ðông - Xuân 1967 cùng nam đồng đội đã bắn tỉa diệt 38 tên giặc, đào hơn 20 cây số chiến hào, bắn hạ 1 máy bay “cán gáo”, 3 máy bay trực thăng… Còn nữa, các cô dùng chiến thuật đặc công vừa được tập huấn ở Quân khu, vào dinh tên Quận Thắng ác ôn, bắn nó bị thương nặng, giặc phải đưa tên Khả lên thay… Nhà báo Nguyễn Mai đã viết một bài bút ký xuất sắc về mấy cô.

Bây giờ các cô VÂN đang kể chuyện đánh lấn cho chú Nguyễn Bá ghi chép. Chuyện ngon trớn đến chỗ các cô thách thi đua đào chiến hào với Ðại đội Ðịa phương quân, nhưng các cô thắng đứt các chàng trai là nhờ đào “ăn gian” ban đêm. Bỗng dưng Cẩm Vân ngắt ngang:

- Xin lỗi anh Ba, ngưng chút, cho tụi em phóng xuồng đến Ngã Ba Vàm xét hỏi chiếc xuồng kia. “Hai cái tay đó” chèo, bơi coi yểu điệu. Khả nghi lắm!

Chú Nguyễn Bá ngăn:

- Cẩm Vân, xuồng cán bộ!

- Có khi thằng giặc thả do thám, nó giả cán bộ mình đó anh. Ta phải khôn hơn địch. Cái đám Tỉnh trưởng An Xuyên từ Trần Thanh Bền đến Lê Tích Thiểu rồi Phạm Văn Út… đều là CIA cả! Tên trùm của chúng là Pôlgas ở chung với Tòa Ðại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Chúng còn bố trí hệ thống nữ gián điệp “Phượng Hoàng” dầy đặc. Ta cảnh giác đó anh!

Cẩm Vân bảo hai cô du kích trẻ (Thu Vân và Hồng Vân - cô chèo, cô bơi -Cẩm Vân ngồi giữa xuồng) tiến lên chận xuồng của Năm Ðoàn. Cẩm Vân:

- Xin lỗi hai anh, cho chị em tôi xem giấy!

Năm Ðoàn bị hỏi bất ngờ, anh nhã nhặn hỏi lại:

- Cô là ai? Lực lượng nào mà chận đường hỏi giấy chúng tôi? Ðây là vùng giải phóng- do gánh Năm Cổn - an ninh Khu kiểm soát mà!

Cẩm Vân đáp:

- Xin lỗi anh, An ninh Khu đã hợp tác với Ðịa phương quân Ðầm Dơi và du kích xã Quách Văn Phẩm để bao vây bức hàng, bức rút Chi khu Ðầm Dơi. Nếu như hai anh không có giấy thông hành của Ban chỉ huy Chiến dịch, thì coi như hai anh bị mời về Căn cứ để chúng tôi nghiên cứu.

Thu Vân tiếp lời:

- Ðúng vậy “mời” hai anh về Căn cứ!

Năm Ðoàn nghe vậy, kêu lên:

- Trời đất! Tôi đi việc khẩn cấp mà! Tôi đâu có gì mấy cô nghiên cứu? Việc khẩn cấp lắm, nói thiệt!

Cẩm Vân hỏi vặn:

- Khẩn cấp sao không có giấy đi đường?

Năm Ðoàn và vệ sĩ của chú là Thủy đem hết súng nhỏ, lựu đạn và băng cá nhân, thuốc rắn… trong thắt lưng ra để chứng minh hai chú là người của ta, thật sự đi công tác gấp. Nhưng các cô vẫn nghi hoặc, không tin. Cẩm Vân nói:

- Gián điệp Mỹ muốn thâm nhập vào vùng ta để thám thính cơ quan và nơi đóng quân của bộ đội, nó trang bị đủ thứ như cán bộ ta vậy!

Năm Ðoàn gãi đầu bực bội :

- Thì biết vậy, nhưng ba cô “xem kỹ bộ vó” anh em tôi coi? Các cô là du kích Ðầm Dơi nổi tiếng mà không có sự thông minh phán đoán gì cả hay sao? Lẽ ra tôi hỏi giấy tờ thừa hành phận sự lập trạm gác đường ngang hông của ba cô. Nhưng thấy mấy cô, anh em tôi biết chắc là dân mình, bằng không, có “dang ca” làm chi mất thì giờ.

Hồng Vân thấy vậy, liền nói:

- Ðồng chí ơi, bảo vệ vùng giải phóng là việc chung mà, khoát nước mặn rửa mặt cho bớt nóng đi! Chớ xem “bộ vó” không được đâu!

Chú Thủy lên tiếng:

- Mấy cô coi đẹp gái, mà sao khó thương quá!

Thu Vân đáp trả:

- Còn hai anh “dễ thương lắm hả”?

Cẩm Vân dứt khoát:

- Thôi, đừng “dang ca”, mời hai anh chèo xuồng theo tôi!

Năm Ðoàn bối rối, thấy các cô vẫn nghi ngờ, mà nước đã giựt ròng, phải tranh thủ đi cho nhanh - đồng chí Bí thư Khu ủy đang trông. Anh liền nói một loạt tên những anh em chỉ đạo bao vây để thuyết phục các cô tin mình:

- Các cô có biết anh Hai Nhung, Tư Quy, Ba Hưng, Ba Nông Dân và Nguyễn Bá hông? Mấy đồng chí  này ở trong Ðoàn chỉ đạo của Khu Ủy đó!

Nghe nhắc tên Nguyễn Bá, Cẩm Vân liền hỏi :

- Nguyễn Bá nào?

Năm Ðoàn:

- Nguyễn Bá ở Văn nghệ Khu, Nguyễn Bá làm thơ đó.

Cẩm Vân:

- Nếu tôi mời Nguyễn Bá tới đây, mà anh không nhận ra thì…

- Thì cô cứ đưa tôi gặp Nguyễn Bá đi.

Còn tiếp

Chia sẻ bài viết