18/10/2019 - 09:32

10 năm, nông thôn đồng bằng "thay áo” mới"
Bài cuối: Bứt phá trên chặng đường mới 

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Chúng ta không được phép chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các bộ, địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện thực chất xây dựng NTM trên tinh thần “tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt và vai trò của người nông dân là chủ thể” của Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu

Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, khẳng định: “Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU  về xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018– 2020 và những năm tiếp theo. Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo huyện NTM Phước Long xây dựng Bộ tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn huyện. Nội dung tập trung vào nâng cao thu nhập (phát triển mô hình sản xuất lúa ô đê bao khép kín theo mô hình chuỗi giá trị, cải tạo vườn tạp,…) xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đến nay, UBND huyện Phước Long đã công nhận được 40 ấp NTM kiểu mẫu. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ phối hợp với UBND huyện Phước Long tổ chức buổi rút kinh nghiệm và tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu, Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu để triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản bảo tồn đa dạng sinh học tại Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MỸ THANH

Đứng vị trí dẫn đầu về xây dựng NTM tại ĐBSCL, các huyện, xã NTM của TP Cần Thơ cũng rất quyết tâm trong hành trình chinh phục danh hiệu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Được công nhận đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2016, huyện Phong Điền xác định tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí xã, huyện NTM, làm tiền đề xây dựng Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết: “Mỹ Khánh đặt mục tiêu trở thành xã NTM nâng cao trong năm 2019 này. Do đó, ngay từ đầu năm xã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, hướng đến các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Từ đó, xã đặc biệt quan tâm khai thác và phát triển lợi thế của địa phương là du lịch sinh thái và vận động cộng đồng cùng tham gia”.

Còn ở tỉnh Tiền Giang, việc nâng chất, củng cố các tiêu chí NTM được tỉnh áp dụng tính điểm thưởng trong kết quả tổng điểm thực hiện chỉ tiêu thi đua kinh tế-xã hội. Các địa phương giữ vững và nâng chất được các tiêu chí NTM đã đạt sẽ được cộng 1 điểm; các địa  phương không duy trì được chất lượng 19 tiêu chí NTM đã đạt sẽ bị trừ 2 điểm.

Xây dựng NTM “thuận thiên”

Bên cạnh nỗ lực của các địa phương, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án chuyên đề nhằm hỗ trợ “tam nông” nói chung và xây dựng NTM nói riêng của vùng ĐBSCL thích ứng với tình hình mới. Nổi bật là Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH);...

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ “đặt hàng” các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn ĐBSCL trên tinh thần “thuận thiên”, thích ứng với BĐKH; tính toán việc xây dựng thôn, ấp NTM. Đồng thời, kiến nghị tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh định mức phân bổ đầu tư hạ tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với công nghiệp, dịch vụ,...

Để trở thành xã NTM nâng cao, địa phương phải hoàn thành 41 chỉ tiêu của 15 tiêu chí đã được ban hành. Xã được công nhận NTM kiểu mẫu là xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định và đáp ứng 4 tiêu chí: Sản xuất-thu nhập-hộ nghèo, Giáo dục-y tế-văn hóa, Môi trường, An ninh trật tự-hành chính công theo Quyết định 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

 

ộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất các địa phương thời gian tới, cần tập trung 4 nội dung trọng tâm sau: Thứ nhất, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với BĐKH. Thứ hai, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn. Thứ ba, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; giữ vững và phát huy sự đa dạng, phong phú về văn hóa của các dân tộc. Thứ tư, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững theo 3 vùng; bám sát định hướng xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Trong đó, vùng thượng là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng trung tâm: Phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Vùng ven biển: Phát triển nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản; kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, các cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn…

Những mô hình triển vọng

Thực tiễn 10 năm xây dựng NTM và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH theo hướng “thuận thiên” có hiệu quả cao. Điển hình như: Mô hình lúa-tôm (Kiên Giang, Bạc Liêu); mô hình tôm-rừng sinh thái ở vùng ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng); mô hình đa canh kết hợp lúa-màu-chăn nuôi trên các vùng giồng cát ven biển, vùng nước lợ (Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mô hình trồng khóm thích ứng với xâm nhập mặn (Hậu Giang); mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, TP Cần Thơ)...

Xoài của Hợp tác xã Mỹ Xương, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức được xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào tháng 4-2019. Ảnh: MỸ THANH

Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Lúa giống 9 Táo, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Vùng đất Trà Vinh giáp biển, vài năm trước nhiều diện tích lúa đã bị hạn, mặn làm thiệt hại năng suất rất lớn. HTX đã lai tạo thành công giống lúa với 3 dòng khác nhau và đặt tên là Táo Tím 19, 29, 39. Đây là giống lúa có thân và lá màu tím, có thời gian sinh trưởng từ 85 đến dưới 100 ngày, kháng rầy nâu, đạo ôn, chịu mặn cao, cho năng suất dao động từ 7-9 tấn/ha (tùy vụ), hạt gạo có mùi thơm nhẹ và dẻo”.

HTX Giống nông nghiệp Định An, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có 50ha sản xuất lúa bằng phân vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cá, tôm được thả nuôi dưới chân ruộng. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ nhiệm HTX, nói: “Tới đây, HTX sẽ triển khai mô hình “Trải nghiệm nông dân” để thu hút du khách đến trải nghiệm trồng lúa, câu cá, tự tay xay gạo, nấu ăn. Qua mô hình này, tôi muốn lan truyền những giá trị tốt đẹp của việc phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững”.

Đồng Tháp là tỉnh có thành tựu nổi bật trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM với nhiều mô hình sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, thích ứng với BĐKH. Điển hình như: HTX Mỹ Đông 2 có mô hình tưới tiết kiệm ướt khô xen kẽ, HTX An Phong (cùng ở huyện Tháp Mười) có mô hình sản xuất lúa áp dụng bón phân vùi vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm phát thải khí nhà kính, HTX Nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) với mô hình sấy ớt bằng năng lượng mặt trời…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ về vấn đề này: “Để phát huy vai trò chủ thể của người dân, chúng tôi tập trung thay đổi tư duy, cách nghĩ từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Tỉnh tổ chức các lớp tập huấn để trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản về các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, chất lượng theo các tiêu chí an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, xây dựng tinh thần tự lực, tự chủ, tự quản của người dân, cùng hợp tác với nhau trong cuộc sống hằng ngày tiến tới hợp tác với nhau trong sản xuất, kinh doanh, thông tin thị trường”.

Giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL phấn đấu có ít nhất 4/13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Mỹ Thanh - Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết