17/10/2019 - 07:17

10 năm, nông thôn đồng bằng “thay áo” mới
Bài 2: Những bài học kinh nghiệm
 

Xây dựng nông thôn mới (NTM) bao gồm một tổng thể các hoạt động cải biến sâu sắc nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình tại ĐBSCL, các địa phương vừa bắt tay thực hiện các giải pháp được Trung ương chỉ đạo, vừa nhận diện khó khăn, tháo gỡ những nút thắt, vừa kịp thời thay đổi nhận thức, tư duy hành động, phát huy tiềm năng, lợi thế để tạo nguồn lực xây dựng NTM…

Nông nghiệp ĐBSCL đang hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung để chủ động trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu từ thị trường (Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên “Cánh đồng lớn” của tỉnh An Giang). Ảnh: MỸ THANH

Linh hoạt, uyển chuyển

Được chia tách từ xã Thới Đông vào tháng 3-2009, lúc bắt tay vào xây dựng NTM, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ chỉ đạt 5/19 tiêu chí và là một trong những xã thuộc diện khó khăn nhất của thành phố với trên 35% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Xác định xây dựng NTM là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để bứt phá đi lên, xã đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận chung tay từ người dân và tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên trong thực hiện các tiêu chí NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Với nhiều chính sách được thành phố và huyện hỗ trợ, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của nhân dân, Thới Xuân được công nhận đạt chuẩn NTM vào ngày 15-8-2019, sớm hơn lộ trình nửa năm.

Đến thời điểm hiện tại, TP Cần Thơ là đơn vị đầu tiên của ĐBSCL hoàn thành 100% số xã NTM. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội cần có vốn đầu tư lớn. Một số tiêu chí như trường học, y tế, xóa nhà tạm phải thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã phải cân nhắc trong việc chọn công trình nào thực sự cần thiết ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Đối với công cuộc xây dựng NTM của thành phố, phát huy nội lực là giải pháp mang tính sống còn.

An Giang là tỉnh đầu tiên tại khu vực ĐBSCL có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, huyện Thoại Sơn là huyện NTM và hai thành phố Long Xuyên, Châu Đốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM được Thủ tướng công nhận. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: An Giang chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tỉnh chọn các giải pháp ưu tiên thực hiện, như: Tập trung phát triển liên kết sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn và tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM trước mắt và lâu dài. Vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội môi trường, an ninh trật tự của địa phương.

Đúc kết từ kinh nghiệm xây dựng NTM tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương khẳng định: Nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động thì nơi đó người dân rất nhiệt tình hưởng ứng. Đây là yếu tố mang tính quyết định sự thành công của chương trình. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thì cả hệ thống chính trị cấp cơ sở sẽ đồng lòng vào cuộc. Việc lựa chọn tiêu chí đầu tư và tập trung đầu tư sẽ phát huy được tác dụng hơn là đầu tư dàn trải; lựa chọn những tiêu chí dễ, tiêu chí ít vốn để phát động nhân dân cùng tổ chức thực hiện. Cùng với đó, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân là ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM…

Khai thác thế mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, sự đột phá trong xây dựng NTM của các địa phương có nền tảng thế mạnh là sản xuất nông nghiệp. Các địa phương đã đẩy tái mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển các mô hình chuyên canh, liên kết sản xuất có hiệu quả cao. Nhờ đó giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất nông nghiệp của địa phương ngày một tăng cao. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, cho biết: Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế, An Giang tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với nhiều chính sách đột phá. Các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản cũng được hình thành và phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất đã góp phần ổn định lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, đưa mô hình "cánh đồng lớn" đi vào thực chất. Từ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hằng năm từ 120 triệu đồng/ha năm 2015 lên 158 triệu đồng/ha năm 2017 và đến năm 2018 đạt 173 triệu đồng/ha, ước đến cuối năm 2019 đạt 183 triệu đồng/ha.

Vườn nhãn Ido cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm của chú Nguyễn Văn Phúc xã Chánh An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: T. Trinh

Năm 2015, tại TP Cần Thơ, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 31 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đạt 45,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến tháng 8-2019 giảm còn 2,06%... Sau khi trở thành huyện NTM vào năm 2016, Phong Điền tập trung đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nên thu nhập người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Bà Hồ Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: "Trong những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi trên 150ha đất lúa kém hiệu quả lên bờ làm vườn. Hiện xã có 740ha đất vườn, trồng chủ yếu các loại cây ăn trái có giá trị cao như: Sầu riêng, vú sữa, nhãn… Trong đó, có gần 200ha trồng sầu riêng, có 95ha đang cho trái với sản lượng đạt 1.200 tấn/năm (ước giá trị trên dưới 50 tỉ đồng/năm). Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đã nâng lên 48 triệu đồng/ người/năm".

Trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên bản địa, bước đầu một số địa phương đã hình thành các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và mang nét đặc trưng riêng. "Qua tiếp cận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp tỉnh Bến Tre định hướng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, với sự thay đổi dần tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, cho biết. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP lần 1 với 31 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao.

Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên để phát triển sản xuất, kinh doanh tại ĐBSCL đã xuất hiện ngày càng nhiều các "tỉ phú" làng quê. Đây cũng là nguồn lực quan trọng xây dựng NTM địa phương. Một trong những tỉ phú đó là ông Nguyễn Văn Phúc, ở xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Mỗi năm 4ha nhãn Ido của ông cho lợi nhuận trên 2 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nhờ trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn nhãn của ông cho trái chất lượng cao, được các thương lái và các doanh nghiệp từ Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre sẵn sàng đến ký hợp đồng thu mua xuất khẩu. Hiện ông đang tập trung vào chất lượng sản phẩm đồng thời liên kết với nông dân xây dựng vùng trồng chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh để xây dựng thương hiệu vùng trồng.

***

Thành tựu xây dựng NTM ở ĐBSCL trong 10 năm qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, các địa phương cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được của NTM, đòi hỏi phải có các giải pháp thích hợp trong giai đoạn mới. Các thách thức đó là: việc sụt giảm chất lượng các tiêu chí đã đạt, tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực nông thôn ngày càng nghiêm trọng...

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ĐBSCL đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng “thủy sản - trái cây - lúa”, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. Từ 2010- 2018, các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã chuyển đổi 60.000ha lúa sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái. Toàn vùng ĐBSCL có 200 chuỗi cung ứng nông sản an toàn với 336 sản phẩm; có 206 thương hiệu nông sản, đứng thứ 2 của cả nước…

Bài cuối: Bứt phá trên chặng đường mới

Mỹ Thanh - Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết