11/09/2018 - 09:38

“Vũ khí” chống cấm vận của Iran 

Nhà khoa học Pháp gốc Iran Raymond Abolhassan gần đây công bố kế hoạch đầu tư 3 triệu USD vào một công ty dược phẩm bị phá sản tại Pháp. Tuy “nhà tài trợ” cho dự án này không được tiết lộ nhưng theo nhiều nguồn tin thì đó Tehran.

Đây là ví dụ mới nhất về cách mà Iran đang lặng lẽ sử dụng Quỹ đầu tư nước ngoài của mình để hạn chế tác động từ các lệnh cấm vận kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Nhật báo phố Wall (WSJ), Quỹ đầu tư nước ngoài Iran, với hàng chục khoản đầu tư và tài khoản tiền mặt tại 22 quốc gia trị giá lên tới 5 tỉ USD, hiện ưu tiên đầu tư vào các tài sản cho phép họ tiếp cận những dịch vụ, hàng hóa và công nghệ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ. Với quỹ đầu tư này, Tehran hy vọng sẽ chống lại sự cô lập mà Washington tạo ra cũng như giúp họ kiếm thêm tiền.

Một cửa hàng trao đổi ngoại tệ ở Thủ đô Tehran. Ảnh: WSJ

WSJ cho biết, Quỹ đầu tư nước ngoài Iran hồi tháng 6 thông qua công ty Vaccinopole SAS của Pháp đã mua lại một công ty dược phẩm tại xứ gà trống Gaulois để giúp Iran có thể cung cấp thuốc cho bệnh nhân bệnh lao, ung thư bàng quang cũng như các bệnh khác, vốn trở nên khó tiếp cận bởi các lệnh cấm vận của Mỹ. Ông Abolhassan cho hay Vaccinopole sẽ bắt đầu tân trang lại công ty trong tháng này và sẽ bán các sản phẩm của mình trên khắp thế giới, gồm cả khu vực Nam Mỹ, vào năm tới. “Mục đích của họ là làm cho Iran không bị phụ thuộc vào các lệnh cấm vận của Mỹ” – một cố vấn tài chính giấu tên nhận định.

Nền kinh tế vốn yếu kém của Iran trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tổng thống Trump hồi tháng 5 tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Đồng nội tệ của Iran đã giảm mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy trong khi lạm phát tăng cao. Theo kế hoạch, một vòng trừng phạt khác hà khắc hơn của Mỹ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-11 tới.

Do đó, Quỹ đầu tư nước ngoài của Iran hiện là một trong những “vũ khí” mà Tehran dùng để đối phó các biện pháp trừng phạt của Washington. Ngoài ra, Tehran cũng đang khai thác một hệ thống hàng đổi hàng mà theo đó, các nước mua dầu của Iran phải dùng hàng hóa để thanh toán, cũng như tìm kiếm các công ty châu Á để thế chỗ cho các công ty châu Âu đã tháo chạy khỏi Iran. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1, giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư nước ngoài Iran Farhad Zargari cho biết quỹ này đang “nhắm” vào các dịch vụ tài chính nhằm giúp các công ty Iran hoạt động thương mại dễ dàng trên toàn cầu. 

 TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết