29/06/2017 - 13:42

“Vết cắt” trong lòng Hồng Công

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 29-6 sẽ bắt đầu chuyến thăm Hồng Công nhân dịp đặc khu hành chính này tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm trở về với đại lục (1-7).

Sẽ có nhiều hoạt động như bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm, thi đấu thể thao và duyệt binh, cùng sự kiện tân Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhậm chức ngay trong ngày lễ trọng đại 1-7. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, nhiều người dân ở cựu thuộc địa Anh hiện không có tâm trạng phấn khởi.

Một trung tâm mua sắm ở Hồng Công được trang hoàng trước ngày lễ. Ảnh: AP

"Người dân không vui mừng mà họ lo lắng cho tương lai Hồng Công và tình hình hiện nay" – Nathan Law, nghị sĩ trẻ nhất ở Hồng Công khi đắc cử hồi năm ngoái ở tuổi 22 và từng là thủ lĩnh sinh viên trong phong trào đấu tranh rầm rộ đòi dân chủ năm 2014, nhận định. Law cho rằng có nỗi quan ngại ngày càng tăng rằng Bắc Kinh đang cố làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Bởi theo nguyên tắc này, Hồng Công được tự chủ phần lớn các vấn đề đối nội và hưởng các quyền tự do dân sự khác biệt với đại lục, nhưng theo Law, có nhiều người mô tả hệ thống hiện thời là "một quốc gia, một chế độ rưỡi".

Đối với nhiều người Hồng Công, vấn đề tranh cãi nhất hiện nay là tính hợp pháp của Ủy Ban bầu cử gồm 1.200 người vốn thuộc tầng lớp thượng lưu do Bắc Kinh hậu thuẫn và có quyền bầu chọn đặc khu trưởng. Vấn đề này đã trở thành tâm điểm trong phong trào biểu tình đòi dân chủ năm 2014.

Bên cạnh các vấn đề chính trị, đa số người Hồng Công lo ngại chính sách đầu tư bất động sản từ đại lục đang gây nên tình trạng lạm phát thị trường nhà ở tại đặc khu, làm cho nơi đây trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ bất bình đẳng lớn nhất thế giới. Theo Reuters, thành phố 7,3 triệu dân này là nơi tập trung lớn thứ ba thế giới về số cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên, chỉ sau New York (Mỹ) và Luân Đôn (Anh). Thu nhập của 10% số gia đình giàu có nhất Hồng Công cao gần gấp 44 lần thu nhập của 10% số người nghèo nhất.

Một cuộc thăm dò của Đại học Hồng Công mới đây cho thấy số người trẻ Hồng Công nhận mình là người Trung Quốc hiện đã giảm chỉ còn ở mức 3,1%, thấp nhất kể từ năm 1997. Theo AP, con số đó nói lên sự gia tăng phân hóa tình cảm giữa giới trẻ và người già, giữa người giàu và người nghèo. Mà sự phân hóa sâu sắc ấy như một "vết cắt" trong lòng xã hội Hồng Công vậy.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết