14/02/2022 - 22:15

“Vành đai, Con đường” chậm tiến độ tại Thái Lan 

Mỗi ngày, chuyến cao tốc đầu tiên của Lào nối thủ đô Viêng Chăn với Boten, thị trấn nhỏ nằm giáp với Trung Quốc, rời ga, đưa rước con người, hàng hóa dọc theo tuyến đường sắt vừa đi vào hoạt động cuối năm ngoái. Trong khi đó, ở phía Ðông Bắc Thái Lan, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối với Lào đang bị đình trệ.

Xe lửa chuẩn bị khởi hành tại tuyến đường sắt cao tốc dài 414km của Lào. Ảnh: SCMP

Ðây là một phần trong chiến lược thương mại toàn cầu của Trung Quốc gọi là sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” nhằm kết nối thương mại và du khách quốc gia đông dân nhất thế giới với lục địa Ðông Nam Á. Thế nhưng, có thể mất ít nhất một thập niên nữa Viêng Chăn và thủ đô Bangkok của Thái Lan mới có thể được kết nối thông qua tuyến đường sắt cao tốc này.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, phần đường bên phía Thái Lan gồm 3 đoạn, đoạn Bangkok - Nakhon Ratchasima dài 253km, Nakhon Ratchasima - Nong Khai dài 356km và đoạn dài 16km nối Nong Khai với Viêng Chăn.

Song, không giống như tuyến đường sắt dài 414km trị giá 5,9 tỉ USD tại Lào được hoàn thành trong vòng 5 năm nhờ 70% ngân sách do Bắc Kinh “đài thọ”, quỹ 179 tỉ baht (khoảng 5,4 tỉ USD) cho giai đoạn đầu phần đường bên phía Thái Lan được huy động từ các nguồn trong nước nhằm làm giảm bớt lo ngại của công chúng về việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát đối với dự án. Về phần mình, Trung Quốc chỉ cung cấp hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thiết kế sau khi Bangkok ký thỏa thuận với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hồi năm 2017. SCMP cho hay, các thỏa thuận này vào thời điểm đó được xem xét công khai, bởi Trung Quốc được cho là đã giành quyền quản lý phần đất xung quanh các nhà ga - vấn đề có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của Thái Lan.

Chính phủ xứ Chùa Vàng dự kiến giai đoạn đầu của tuyến đường sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2026. Tuy nhiên, những thách thức về tài chính của Thái Lan cũng như đại dịch COVID-19 đã làm lệch lịch trình xây dựng khi mà đến tháng 12 năm ngoái, giai đoạn đầu của tuyến đường mới được hoàn thành chưa tới 3%.

Giới phân tích cho rằng Thái Lan có thể đủ khả năng từ chối tài trợ của Trung Quốc nhưng Bangkok đã tự đặt mình và dự án vào tình thế rủi ro về tài chính. Nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Ðông Nam Á sau khi COVID-19 “xóa sổ” ngành du lịch nước này. Các kế hoạch kích thích và cứu trợ của Thái Lan đã giúp đổ số tiền khổng lồ vào nền kinh tế nhưng nước này phải trả cái giá là tình trạng tài chính dễ bị tổn thương do nợ công tăng vọt trong khi người dân phải đối mặt với giá cả cao hơn.

Termak Chalermpalanupap, thành viên Chương trình Nghiên cứu Thái Lan của Viện ISEAS-Yusof Ihsak (Singapore), cho rằng nguyên nhân của sự chậm trễ nói trên là do Chính phủ Thái Lan trong 2 năm qua đã phải chi rất nhiều tiền để giải quyết các vấn đề khẩn cấp do COVID-19 phát sinh nên ít chú trọng dành tiền phát triển dự án, vốn chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của Thái Lan. Về phần mình, Pavida Pananond, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat, cho rằng chính việc chậm trễ đó sẽ làm gia tăng chi phí xây dựng cũng như cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp khác vốn có thể hưởng lợi từ kết nối cơ sở hạ tầng này.

Công tác xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài hơn 140km Jakarta - Bandung ở Indonesia, một phần của BRI, cũng đang gặp khó khi phải đối mặt với mức phí phát sinh lên tới gần 2 tỉ USD và một số thách thức khác. Theo nhà điều hành đường sắt quốc doanh Kereta Api Indonesia, chi phí ước tính dành cho dự án đã vượt mức 7,9 tỉ USD, so với dự kiến ban đầu chỉ khoảng 6 tỉ USD.

Chia sẻ bài viết