18/06/2021 - 08:16

Ðừng ngần ngại hiến máu trong mùa dịch! 

Hiến máu không chỉ cứu người mà còn tốt cho sức khỏe bản thân.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều người có tâm lý ngại đi hiến máu do lo sợ nguy cơ lây nhiễm, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng lượng máu dùng cho công tác cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện. Theo các chuyên gia sức khỏe, dù việc hiến máu trong mùa dịch khác nhiều so với ngày thường, nhưng mọi người vẫn có thể tránh được nguy cơ lây nhiễm nếu tuân thủ tốt các quy định phòng dịch. Quan trọng là hiến máu không chỉ có ý nghĩa là cứu người, mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bản thân người cho máu, điển hình như:

+ Kiểm soát huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch. Khi hiến máu, hàm lượng máu trong cơ thể được cân bằng, nên cũng ngăn ngừa nguy cơ huyết áp gia tăng - yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, thường xuyên hiến máu còn giúp kiểm soát nồng độ sắt ở mức lành mạnh, từ đó giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim và bình ổn nhịp tim.

+ Phòng bệnh thừa sắt (Hemochromatosis). Thừa sắt là một rối loạn sức khỏe phát sinh do cơ thể hấp thụ sắt quá mức. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền hoặc nghiện rượu, mắc bệnh thiếu máu và các bệnh liên quan đến hấp thụ sắt. Trong khi đó, thường xuyên hiến máu giúp làm giảm tình trạng ứ đọng sắt trong cơ thể.

+ Giảm nguy cơ tổn thương gan và tụy. Tình trạng dư hàm lượng sắt trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ suy gan và tổn thương tuyến tụy. Do hiến máu giúp loại bỏ lượng sắt dư thừa, nên cũng giúp giảm nguy cơ tổn thương gan và tụy.

+ Kích thích sản xuất tế bào máu. Một trong những lợi ích sức khỏe cốt lõi của hiến máu là giúp kích thích tái tạo tế bào máu mới, bù đắp cho lượng máu đã cho đi và qua đó duy trì sức khỏe tổng thể.

+ Ðốt cháy calo. Theo Ðại học California (Mỹ), cơ thể bạn sẽ tiêu tốn khoảng 650 calo trong mỗi lần hiến máu. Vì vậy, thường xuyên hiến máu giúp ích cho người đang muốn giảm cân, người béo phì và người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và những rối loạn sức khỏe khác. Tuy vậy, hiến máu không được khuyến khích như một phương pháp giảm cân.

+ Giảm nguy cơ ung thư. Duy trì nồng độ sắt thấp trong cơ thể được cho có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng ung thư. Do đó, nguy cơ khởi phát ung thư - đặc biệt là ung thư ruột kết, phổi, gan và họng - sẽ thấp hơn nếu bạn hiến máu.

Ngoài những lợi ích sức khỏe về thể chất, hiến máu còn có thể giúp giảm căng thẳng tinh thần, đẩy lùi cảm xúc tiêu cực, cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa và gắn kết với cộng đồng.

Những điều cần lưu ý trước, trong và sau khi hiến máu

Ðể được hiến máu, người hiến phải đảm bảo bản thân không có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu, thuộc độ tuổi từ 18-60, có cân nặng tối thiểu 45kg đối với nam và 42kg đối với nữ; thực hiện chế độ ăn uống bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt (như hải sản, thịt, cải bó xôi, đậu và khoai lang) nhằm phòng ngừa nguy cơ có nồng độ hemoglobin thấp, đồng thời kiêng dùng rượu hoặc thức ăn dầu mỡ trước khi đi hiến máu.

Sau khi lấy máu, người hiến cần duỗi thẳng và giơ cao tay để tránh bị bầm tím, sưng tấy, đông máu và đau tại vị trí ghim kim; nghỉ ngơi hồi sức, không làm việc gắng sức và tránh vận động thể chất trong 24 giờ tiếp theo.

Một điều cần lưu ý là do hàm lượng máu trong cơ thể chỉ trở lại bình thường sau 2-3 tuần, nên người hiến cần giúp cơ thể mau hồi phục bằng cách uống nhiều nước, tăng cường các thực phẩm bổ máu, kiêng thức ăn dầu mỡ, không hút thuốc và uống rượu. Nếu cảm thấy chóng mặt, khó chịu hay đau bất thường thì nên lập tức đi kiểm tra sức khỏe.

AN NHIÊN (Theo Boldsky) 

Chia sẻ bài viết