18/02/2021 - 09:37

“Truyền thông học hành” - Trào lưu mới ở Hàn Quốc 

Một video trên YouTube phóng to cảnh một cô gái Hàn Quốc đang ngồi ở một bàn học, chăm chú vào sách vở của cô, lâu lâu có thêm tiếng sột soạt của các trang giấy được lật và viết chì viết trên giấy. Mọi việc rất bình thường nhưng các video dạng này đang là một trào lưu Internet kỳ lạ ở Hàn Quốc được gọi là gongbang, hay “truyền thông học hành” - người học tự truyền phát cảnh học hành gần như trong im lặng trong nhiều giờ liền.

Hình ảnh từ kênh “The man sitting next to me”. Ảnh: AsiaOne

Nhiều học sinh Hàn Quốc học bài đến 16 giờ/ngày để chuẩn bị cho kỳ thi đại học hay cao đẳng rất khắc nghiệt. Trào lưu video mới được cho là bắt nguồn từ việc một học sinh Hàn Quốc tự quay video cảnh học tập miệt mài để phụ huynh của cậu có thể thấy cậu học hành rất chăm chỉ.

Hiện tại, các video gongbang đang rất phát triển và đã phổ biến sang nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Anh và Ấn Ðộ. Với những cái tên như “Your study buddy has arrived” (Bạn học của bạn đã đến) cho đến “Med School Finals - Hard Work Will Pay Off” (Kỳ thi Trường Y – Học hành chăm chỉ sẽ đạt kết quả tốt), các video dạng này bất ngờ làm cho người xem là các học sinh có cảm giác họ đang học bài với bạn bè - hay nói một cách khác, đây là những bạn học ảo.

Số người xem các video này cũng tăng lên đáng kể trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, khi các lớp học và việc học trực tuyến đã trở nên phổ biến khắp toàn cầu. Một số người xem thậm chí đã ví von cảm giác mà các video tạo ra giống như trong một thư viện.

Một trong những kênh YouTube về gongbang nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc hiện tại là “The man sitting next to me” (Người ngồi kế tôi), chủ yếu quay cảnh một học sinh nam giấu tên đặt mục tiêu trở thành một nhân viên kế toán thuế. Cậu quảng cáo kênh của mình là kênh trực tiếp học bài 24 giờ đầu tiên trên thế giới. Cậu trực tiếp cảnh ngồi học bài, cùng với nhiều cuốn sách xung quanh và tuyết rơi ngoài cửa sổ. Kênh YouTube này đã thu hút 53.000 người đăng ký.

Xuất khẩu trào lưu

Ở Mỹ, kênh YouTube về gongbang nổi tiếng là “The Strive to Fit” (Nỗ lực để khỏe mạnh), cũng đã thu hút 406.000 người đăng ký. Chủ nhân của kênh này là một bác sĩ ở New York có tên Jamie, khởi sự kênh của cô khi cô còn học trong trường y. Từ đó, cô đã mở rộng để đăng các video về mọi thứ từ chăm sóc da cho đến những gì cô mang theo trong ba lô.

Các chuyên gia trẻ ở Ấn Ðộ, vốn từ lâu đã say mê các trào lưu Hàn Quốc như nhạc Hàn Quốc và phim bộ Hàn Quốc, cũng ùn ùn hưởng ứng các video gongbang. “Tôi theo dõi nhiều video gongbang và bởi vì nghề y của mình, tôi luôn theo dõi các trang video về y khoa để thi tốt các kỳ thi về tim mạch”, Tiến sĩ Pavitra Thamizharasan tiết lộ. Tiến sĩ Pavitra Thamizharasan là chuyên gia tư vấn 30 tuổi của Bệnh viện Quốc tế Chennai, phải liên tục dự thi và vượt qua nhiều lớp học y khoa để giữ vững chuẩn chuyên gia.

Pavitra Thamizharasan cũng cho biết, bà cảm thấy mạnh mẽ hơn về tinh thần khi xem những video này, do bà cảm nhận rằng bà không phải là người duy nhất phải học thật nhiều hay bị ép buộc với một đống sách phải đọc. Bên cạnh đó, do đại dịch COVID-19, nhiều người phải ở nhà, nên các video gongbang cũng có thể được xem như một nguồn hỗ trợ ảo để bớt buồn tẻ.

Anuj Pachhel, một sinh viên y khoa ở Nagpur (Ấn Ðộ), đã xây dựng một trang học tập nổi tiếng có chứa nhiều video YouTube, thu hút 170.000 người đăng ký. Shweta Mahajan, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ người Ấn Ðộ ở Hà Lan, cũng đã thu hút 19.000 người đăng ký kênh YouTube của mình.

Không phải vì tiền

Những người làm video gongbang gần như không kết nối với người xem của họ. Một số kênh thậm chí không cho biết danh tính của nhân vật, như SN Log, chuyên quay cảnh một sinh viên chuẩn bị cho kỳ thi công chức của Ấn Ðộ. Các video của SN Log đôi khi kéo dài 10 giờ đồng hồ, chỉ với cảnh ghi chép, lật sách và viết, mà thậm chí không cho thấy mặt nhân vật.

Một điều lạ nữa là những người làm các video này không phải vì nổi tiếng hay vì tiền, mặc dù họ có thể thu được chút ít do quảng cáo. Tuy nhiên, một số người làm video đã gởi tiền mà họ thu được cho các hội từ thiện và các nhà nuôi dưỡng người nghèo khó, hoặc gởi tặng các thẻ quà tặng cho những học sinh đã xem video và đạt kết quả tốt. 

Ritika Suresh, sinh viên kỹ thuật 21 tuổi ở Chennai (Ấn Ðộ), cho biết cô thích các video gongbang là vì nó giống như có một người đang chia sẻ nỗ lực và khó khăn của cô, như một người bạn. Ðồng thời, do nhân vật trong video tập trung vào việc học nên nó tạo động lực cho cô cố gắng học hành và nỗ lực nhiều hơn.

LÊ PHI (Theo AsiaOne)    

Chia sẻ bài viết