05/10/2021 - 07:34

Xem “Vua Tiếng Việt”

“Tôi yêu tiếng nước tôi...” 

“Vua Tiếng Việt” là chương trình giải trí truyền hình chuyên về ngôn ngữ, thông qua các phần thi thú vị, gần gũi nhưng cũng đầy thử thách, người chơi và khán giả đều cảm nhận được sự phong phú của tiếng Việt.

Chương trình phát sóng lúc 20 giờ 30 phút thứ sáu hằng tuần, trên kênh VTV3.

MC Xuân Bắc và người chơi ở phần thi “Giải nghĩa” trong chương trình “Vua tiếng Việt”. Ảnh: VTV

Sau 4 số phát sóng, “Vua Tiếng Việt” được khán giả yêu thích vì hấp dẫn, tính tương tác cao, nhất là mang đến nhiều kiến thức ngôn ngữ bổ ích. Nghệ sĩ Xuân Bắc dẫn chương trình, với sự tham gia cố vấn của nhiều nhà ngôn ngữ, nhà nghiên cứu văn học, nhà báo... tên tuổi.

Ðể đăng quang “Vua Tiếng Việt”, người chơi sẽ trải qua 4 vòng thi. Ở vòng 1 - “Phản xạ”, có 4 người chơi, mỗi người trả lời gói câu hỏi trong 90 giây, với các dạng câu hỏi như nhận dạng động từ, tính từ trong câu, viết đúng chính tả các từ khó, điền từ vào chỗ trống câu ca dao, tục ngữ... Vòng 2 mang tên “Giải nghĩa”, chỉ còn 3 người chơi, MC Xuân Bắc sẽ mở quyển “Từ điển Tiếng Việt” để tìm chỉ định từ bất kỳ. Nhiệm vụ của người chơi là giải nghĩa cho 2 người còn lại đoán từ. 2 người điểm cao sẽ vào thi vòng 3 - “Xâu chuỗi”. Với những câu, có thể là thơ, đoạn văn, ca từ, ca dao, tục ngữ..., bị đảo lộn, người chọn sẽ phải kết nối lại thành câu có nghĩa như nguyên tác. Người chơi có thành tích tốt hơn sẽ vào vòng thi “Soán ngôi”. Ðể đăng quang, người chơi trải qua 3 câu hỏi: tìm từ trái nghĩa, tìm từ đồng nghĩa với từ được đưa ra và làm một đoạn thơ với từ khóa định sẵn.

“Vua Tiếng Việt” lên sóng trong thời gian nhiều địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 đã giúp khán giả có những phút giải trí tại nhà. Ðây là chương trình mà từ các em học sinh đến ông bà lớn tuổi đều có thể cùng là thí sinh và tương tác xuyên suốt thời gian phát sóng. Những chữ như “vô hình chung” hay “vô hình trung”, “chí khôn” hay “trí khôn”, “khoác lác” hay “khoát lát”, “quỵ lụy” là động từ hay tính từ... khiến người chơi và khán giả không ít phân vân, suy nghĩ. Hay khó hơn nữa là xác định tính từ, động từ, danh từ trong một câu có cú pháp phức tạp, hoặc xâu chuỗi những câu đã bị xáo trộn nhưng phải đúng theo nguyên bản của câu... Qua 4 tập phát sóng, người chơi và khán giả cũng nhiều lần thử tài làm thơ trong 30 giây với những câu thơ đầy ngẫu hứng, ứng tác xoay quanh từ khóa chương trình đưa ra.

Vừa chơi vừa học là điểm nhấn khi xem “Vua Tiếng Việt”, ông bà, phụ huynh có thể cùng xem với các em nhỏ để gia tăng kiến thức về tiếng Việt. Thực tế có nhiều từ quen thuộc nhưng khi viết, khiến không ít người băn khoăn kiểu “có g hay không g”, “x hay s”, “tr hay ch”...

Chỉ có một chi tiết nhỏ khiến nhiều người cảm thấy chưa trọn vẹn khi xem phần thi “Giải nghĩa”, đã là “Vua Tiếng Việt” thì phải giải nghĩa cho người chơi cùng đoán bằng các tiêu chí: danh từ hay động từ, từ láy hay từ ghép, ý chỉ vấn đề gì... Ðằng này, nhiều người chơi lại “lấy khó làm dễ” khi tách đôi hai từ ra rồi giải nghĩa từng từ thì không thuyết phục. Ví dụ như từ “vắt vẻo”, người chơi giải nghĩa: “Từ đầu là làm cho cái khăn khô nước, từ sau là nước trong veo...”. Dĩ nhiên, đây cũng là một cách - bởi tiếng Việt vốn rất phong phú - nhưng với “Vua Tiếng Việt” thì chưa thỏa đáng!

“Vua Tiếng Việt” vẫn là một chương trình rất ấn tượng, cho thấy sự giàu đẹp và trong sáng của tiếng Việt. Chương trình mang đến cho người chơi và khán giả cảm giác “Tôi yêu tiếng nước tôi...” như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy.

DUY KHÔI 

Chia sẻ bài viết