17/02/2008 - 09:37

“Tôi yêu mình!”

Ảnh: CSMonitor

Đứng cạnh nhau trên ruộng cải ở làng Tsumagoi, cách Thủ đô Tokyo (Nhật) hơn 100 km về hướng Tây Bắc, hàng chục nam giới đủ mọi thành phần cố gắng hô to 3 từ “Tôi yêu mình!” hay “Tạ ơn em!” một cách trìu mến (ảnh). Các bà vợ đứng gần đó chứng kiến cảnh “tỏ tình” ấy, một số đã rơi lệ bởi đây là lần đầu tiên đức ông chồng của họ thốt lên lời yêu thương.

Trên đây là một trong những hoạt động do Kiyotaka Yamana, nhà sáng lập Tổ chức Japan Aisaika (Ông chồng tận tụy) đứng ra tổ chức. Mục đích của người đàn ông từng một lần ly dị vợ này là giúp cải thiện đời sống hôn nhân “đồng sàng dị mộng” đang trở nên phổ biến ở Nhật bằng cách dạy cho các ông cách bày tỏ tình cảm và trân trọng người phối ngẫu của mình.

Ở xứ Mặt trời mọc, nam giới hiếm khi biểu lộ tình thương hay ngợi khen người đầu ấp tay gối với họ. Ngay cả ngày Lễ tình yêu 14-2, phái mạnh cũng chỉ biết nhận quà từ bà xã.

Trước nay, đàn ông Nhật là trụ cột tài chính của gia đình còn phụ nữ mặc nhiên ở nhà nội trợ. Nhưng truyền thống này không còn hợp với xã hội Nhật vốn thay đổi từng ngày. Theo thống kê của chính phủ, số vụ ly hôn tăng 73% trong giai đoạn 1985 -2002, xấp xỉ con số 300.000. Từ đó đến nay, số cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa có giảm nhưng tình trạng “ly thân sống cùng nhà” vẫn phổ biến ở đất nước có quá ít chuyên gia tư vấn hôn nhân.

Vì lý do kinh tế, vì con cái và vì ngại thiên hạ lời ra tiếng vào nên các đôi có khuynh hướng tránh ly hôn, theo Kaname Tsutsumi - chuyên gia xã hội học ở Đại học Phụ nữ Kyushu.

“Nếu tôi nói với vợ mình câu “Anh yêu em”, cô ấy sẽ nghĩ là thần kinh tôi có vấn đề”, Hiroto - người lập gia đình 20 năm bộc bạch. Cách đây 4 năm, Yamana thành lập tổ chức Japan Aisaika (JAO) tại làng Tsumagoi để tạo cơ hội cho những người như Hiroto bày tỏ sự cảm kích đối với bà nhà. Đến nay, JAO đã qui tụ được 150 thành viên và nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Và việc đứng giữa ruộng cải hô to ba từ “Tôi yêu mình” là bài học vỡ lòng đối với những người mới gia nhập JAO.

Cũng giống như hầu hết các đồng nghiệp, nghị sĩ Motoyoshi Hashizume hiếm khi bày tỏ tình cảm với vợ mình trong 21 năm “góp gạo thổi cơm chung”. Nhưng kể từ lần tham gia chương trình “tỏ tình” trên ruộng cải năm 2006, “Tôi gọi bà ấy bằng tên thường hơn và cảm kích trước những gì vợ tôi đã và đang làm cho gia đình”.

Năm 2006, JAO quyết định chọn ngày 31-1 làm “Ngày những bà xã tận tụy”, được xem như Ngày Valentine dành cho phụ nữ có chồng. Vào ngày này, JAO khuyến khích các ông chồng tuân thủ 5 qui tắc vàng, như về nhà sớm (trước 8 giờ tối), gọi vợ bằng tên thay vì từ “Mẹ” theo cách gọi của con, và nhìn vào mắt vợ. Vào ngày 31-1 vừa qua, JAO phối hợp với một công ty cung cấp hoa tổ chức chương trình “Biểu lộ tình yêu giữa Công viên Hibiya” (Hibiya là công viên lớn ở Thủ đô Tokyo), khuyến khích các ông chồng mua hoa tặng vợ.

Cũng như nhiều đàn ông Nhật, trước khi sáng lập JAO, Yamana là một người chỉ biết mải mê theo đuổi sự nghiệp mà ít ngó ngàng đến gia đình. Tình cảm vợ chồng phai nhạt dần sau 8 năm chung sống khiến ông đi đến quyết định ly hôn. Thế nhưng khi trở về nhà định nói ra quyết định của mình, Yamana thật sự sốc khi vợ và con ông đã ra đi không một lời từ biệt.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của bản thân, Yamana lập ra JAO với mong muốn giúp phái mạnh tìm thấy hạnh phúc trong chính mái ấm của mình đồng thời góp phần thay đổi thái độ “xem công việc là trên hết” của đàn ông Nhật. “Nếu nam giới có thể hạn chế văn hóa “nghiện việc” thì bất cứ ai cũng có thể trở thành người chồng tận tụy”, Yamana khẳng định. Ông cho rằng chính thái độ thờ ơ với vợ con là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chị em quyết định “thà ở vậy còn hơn”.

Tuy nhiên, mục tiêu của JAO không chỉ có vậy. Đằng sau việc giúp cánh mày râu yêu thương và tôn trọng vợ hơn, Yamana còn hướng đến mục tiêu xã hội lớn hơn. Theo ông, “Những ông chồng trân trọng vợ là người biết quan tâm đến những người xung quanh. Nếu ngày càng có nhiều đức ông chồng tận tụy thì thế giới sẽ yên bình hơn”.

SONG NGỌC (Theo CSMonitor, Mainichi)

Chia sẻ bài viết