Thanh minh là tiết thứ năm trong nhị thập tứ khí (24 khí) và được người phương Đông coi là một lễ tiết hằng năm. Tiết Thanh minh đến 45 ngày sau ngày Lập xuân, thường diễn ra vào ngày 4 hoặc 5-4 Dương lịch, nhằm ngày 16 hoặc 17-2 Âm lịch.
Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” là hai câu thơ trong danh tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, từ lâu đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong dân gian.
Thanh minh là dịp tảo mộ của đồng bào Hoa ở Việt Nam nói riêng và là mỹ tục đối với người Việt nói chung, lần thứ nhì, sau dịp “giẫy mả” trong những ngày cận Tết Nguyên đán, theo tục lệ xưa. Ngày xưa, Thanh minh là một lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tâm thức của hầu hết người Việt Nam, nên người ta trang trọng gọi nó là Tết Thanh minh. Tết Thanh minh là đám giỗ lớn, giỗ chung của tất cả những người đã khuất không biết từ bao đời. Đây là dịp con cháu tưởng nhớ công lao tổ phụ, nhắc nhở hậu duệ báo hiếu, không chỉ trong tín ngưỡng thờ cúng mà còn trong đời sống hằng ngày.
Tết Thanh minh bắt nguồn từ Trung Quốc, theo tích truyện Vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu. Sau khi giành được ngôi báu, Vua phong thưởng rất hậu cho những công thần nhưng lại quên người đã nếm mật nằm gai, một dạ trung trinh với mình là Giới Tử Thôi. Không buồn giận, coi như đã hoàn thành nghĩa vụ với vua với nước, Giới Tử Thôi đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công khi nhớ ra, cho người đi tìm mời về triều nhưng Giới Tử Thôi quyết mai danh ẩn tích. Để buộc Giới Tử Thôi về kinh, Vua ra lệnh đốt rừng gây ra cái chết của mẹ con một trung thần. Quá đau xót, Vua cho lập miếu thờ và tưởng niệm Giới Tử Thôi bằng cách hạ lệnh dân gian kiêng đốt lửa trong ba ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn (khoảng từ mùng 3-3 đến 5-3 Âm lịch hằng năm). Gọi là Tết Hàn thực. Sang thời Lý Việt Nam, ta tiếp nhận lễ tết nầy nhưng biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp tâm lý, cuộc sống thường nhật của nhân dân ta. Vào ngày Hàn thực, người Việt không kiêng cữ lửa, vẫn nấu nướng bình thường, nên không ăn đồ nấu sẵn, thay vào bằng bánh trôi, bánh chay. Tết Hàn thực được người Việt gọi là Tết Bánh trôi bánh chay.
 |
Sau khi mặc áo mới cho mộ, cúng kiếng xong, con cháu vui vầy bên nhau trước ngôi mộ ông bà |
Theo nghĩa đen, “Thanh minh” là “khí trong trẻo sáng sủa”. Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” cho biết: “Tục Tàu nhân hôm ấy giai nhân tài tử đua nhau đi tảo mộ, gọi là hội Đạp thanh”. Đạp thanh có nghĩa là giày xéo lên cỏ xanh. Vào ngày Thanh minh, trời quang mây tạnh, người ta rủ nhau đi tới những nơi rộng rãi, cỏ mọc xanh rì tưởng nhớ ông bà và cùng nhau viếng mộ phần của tiên tổ. Từ đó có tục tảo mộ. Tảo mộ có nghĩa là nhổ hết cây con không cho lớn lên đâm rễ phạm vào hài cốt người đã khuất; giẫy hết cỏ dại, tránh các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang làm ổ, mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất; đắp thêm đất, lau rửa, sơn phết bia mộ,
Tảo mộ diễn ra trước Thanh minh một hai ngày, tùy theo gia cảnh. Tảo mộ xong, người ta cúng một bộ tam sên, thắp vài nén nhang, đốt vàng bạc hoặc đặt thêm bó hoa cho người đã khuất. Cũng chạnh nghĩ đến những ngôi mộ vô chủ cỏ cây mọc um tùm gần mộ phần gia đình, người ta cắm vài nén nhang (ngày xưa ở ngoài Bắc, tại các tha ma mộ địa còn có lập một am để thờ chung những mồ mả vô chủ, gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn nhang thờ phụng). Đến ngày Thanh minh, người trong gia đình kéo nhau đến mộ phần với những gánh đồ cúng trên vai. Đặc biệt, các cô dâu mới nhất thiết phải đi cùng để nhận biết mồ mả của nhà chồng. Đến mộ phần, đồ cúng được bày ra, đốt nhang, mỗi người ba nén vái lạy rồi đốt giấy tiền vàng bạc. Xưa kia, Tết Thanh minh có nơi còn đốt pháo.
Theo Sơn Nam, Thanh minh là ngày vui, diễn ra vào buổi chiều. Sau khi dán những tờ giấy ngũ sắc lên nấm mồ, gọi là mặc áo mới cho nơi an nghỉ của người thân trong gia đình, cúng kiếng xong, người ta vui vẻ đờn ca hát xướng, ăn những thức cúng (gà, vịt, heo, tôm, cua
). Đêm xuống, trong ánh sáng đèn đuốc, cuộc vui nơi mộ phần kéo dài đến khi nào mệt mỏi thì kéo nhau về nhà trong ánh trăng quá rằm sáng vằng vặc. Chính vì vậy mà nghĩa địa trong ngày này trở nên nhộn nhịp, là một ngày hội tưởng nhớ công lao những bậc tiền nhân, để giáo dục con cháu luôn kính trọng ông bà. Đó còn là dịp con cháu đoàn tụ, thắt chặt mối quan hệ hữu hảo với người thân, dòng tộc.
Từ hàng chục năm nay, Tết Thanh minh diễn ra vào buổi sáng sớm. Cúng kiếng xong, người trong nhà quần tụ trước mộ phần, trong ánh nắng mai, thưởng thức thức cúng, cùng ôn lại công ơn các bậc tiền nhân
Thanh minh là ngày Tết quan trọng nên người tứ xứ đổ về quê hương cúng mộ. Đó là thời khắc âm dương tương thông, người còn sống tưởng nhớ người đã khuất, con cháu nhớ về tổ tiên nguồn cội. Tết Thanh minh ở Bạc Liêu, người Khmer với sự chung sống cùng người Tiều (Triều Châu), cũng ăn Tết Thanh minh, với một sắc thái đặc biệt. Nói sắc thái đặc biệt vì đồng bào Khmer khi qua đời đều được hỏa thiêu. Tro cốt được cho vào tiểu sành gởi vào các tháp cốt trong chùa, không có mồ mả. Nhưng vì sự cộng hưởng hôn nhân giữa hai dân tộc nầy mà họ có Thanh minh. Hằng năm, Thanh minh diễn ra trước Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer khoảng 1 tuần. Những gia đình mang hai dòng máu Khmer và Hoa đều chuẩn bị sẵn lễ vật để đến tháp cốt quanh khuôn viên chùa dán những mảnh giấy ngũ sắc lên tường xi măng tháp cốt, bày lễ vật, thắp nhang cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất. Nhang tàn, họ quần tụ một bên tháp cốt, nơi có bóng râm, vui vẻ thưởng thức những thức cúng bày ra. Có lẽ đây là nét văn hóa đặc sắc không đâu có của một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bài, ảnh: CÁT LỘC
Tư liệu tham khảo:
- Tạp chí Quê hương
- Wikipedia tiếng Việt
- Toan Ánh, “Nếp cũ”, quyển hạ
- T.C. “Thanh minh”, Bạc Liêu Online
- Trần Phước Thuận, “Tết Thanh minh mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn”.