07/09/2020 - 08:52

“Tâm tình lính biển-Nhắn với chim hải âu” 

Lê Mạnh Thường là cộng tác viên quen thuộc trong chuyên mục “Tâm tình lính biển” của Báo Hải quân Việt Nam. Anh vừa cho ra mắt tập tản văn “Tâm tình lính biển-Nhắn với chim hải âu” bao gồm các bài viết của mình trong chuyên mục. Tập tản văn vừa đạt giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT), Báo chí về đề tài Hải quân giai đoạn 2016-2020.

Khi còn học phổ thông, Lê Mạnh Thường là học sinh chuyên văn. Đến khi nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân, do yêu cầu nhiệm vụ nên anh có điều kiện được đi đến các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Được gặp, được sống với biển, đảo, với con tàu cùng những người đồng đội thân thương nên niềm đam mê văn học trỗi dậy, thôi thúc anh cầm bút để viết. Tác phẩm đầu tiên anh viết trên Báo Hải quân Việt Nam là một bài thơ, in năm 2004. Từ đó đến nay, Lê Mạnh Thường vẫn thường xuyên viết bài cho Báo Hải quân bằng nhiệt huyết vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Tác giả Lê Mạnh Thường chia sẻ: “Tôi xuất thân là người lính Hải quân nên hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ, những con tàu, hòn đảo, những thanh âm của biển cứ thế ngấm vào máu tự bao giờ không hay…”.

Cuốn sách ra mắt bạn đọc tháng 4-2020

Trong quá trình công tác, anh đã đặt chân đến hầu khắp các vùng biển, đảo suốt dọc dài đất nước, trong đó có 13 chuyến công tác đến thăm quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Từ những tình cảm, trải nghiệm của mình, Mạnh Thường đã viết và trở thành một trong những cộng tác viên xuất sắc của Báo Hải quân Việt Nam suốt hơn 15 năm qua. “Viết về đề tài biển, đảo, về người lính biển như là một sự trả nợ với những ân tình mà biển đã dang rộng vòng tay ôm ấp, chở che cho tôi trên con đường binh nghiệp”-anh chia sẻ.

Vì thế, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính nói chung, biển, đảo nói riêng luôn thường trực trong các sáng tác của Mạnh Thường. Nhiều truyện ngắn viết về Hải quân của anh đã được phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng tải trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Cửa biển-Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, tạo được dấu ấn trong lòng độc giả, thính giả khắp mọi miền Tổ quốc.

Vừa qua, tập tản văn “Tâm tình lính biển-Nhắn với chim hải âu” của tác giả Lê Mạnh Thường (do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2020) đã đạt giải C Giải thưởng VHNT, Báo chí về đề tài Hải quân giai đoạn 2016-2020.

Tập tản văn như một bức tranh đa sắc màu, khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam dũng cảm, kiên cường trước sóng gió, bão giông nhưng cũng rất lãng mạn, gần gũi, thân thương trong cuộc sống thường ngày. Những cảm nhận đó được tác giả thể hiện bằng nhiều bút pháp thông qua lăng kính văn học. Đó là cuộc sống, học tập, công tác, sinh hoạt đời thường, ý chí, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ công tác tại tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, nhiệm vụ trong Quân chủng, từ cơ quan, đơn vị ở bờ, ở đài, trạm, nhà máy, học viện nhà trường đến những con tàu, đảo, nhà giàn… Các bài viết: Trên những con tàu canh biển mùa Xuân, Mắt thần canh giữ Biển Đông, Những con tàu của tình hữu nghị, Sức trẻ nhà giàn, Tự hào bộ quân phục Hải quân… thể hiện được tinh thần, ý chí ấy. Trong tập tản văn còn hiện lên hình ảnh những công dân của Trường Sa, những người thợ gác đèn biển…  lặng thầm bám biển với một tình yêu sâu đậm ở Những ngọn hải đăng ở Trường Sa, Những đứa trẻ ở Trường Sa.

Đậm nét nhất vẫn là tình cảm, sự yêu thương của hậu phương, của bà con nhân dân dành cho bộ đội Hải quân, chủ yếu được thể hiện trong những trang thư tràn đầy tình cảm: Biển nhớ, Viết cho chàng trai của mẹ, Những cơn mưa thu, Gia đình chắp cánh ước mơ… Đến với tập sách, độc giả cũng sẽ hiểu hơn về những nét đặc trưng ở Trường Sa như: Nồng nàn hương vị bánh chưng Trường Sa, Chim hải âu, Tiếng hát nơi đảo xa, Vườn rau Trường Sa, Thì thầm hoa muống biển, Câu cá ở nhà giàn…

“Tâm tình lính biển-Nhắn với chim hải âu” được viết bằng giọng văn giản dị, tự nhiên nhưng vẫn sâu lắng, đầy cảm xúc. Trong nhiều bài viết, tác giả còn tạo được những điểm nhấn, những chi tiết bất ngờ nhưng rất lãng mạn để bài viết trở nên hấp dẫn, lý thú hơn. Như “Thư tọa độ” ở Trường Sa, gọi là “thư tọa độ” bởi người viết không biết chính xác người nhận là ai mà chỉ là “tọa độ”-“Các anh bộ đội Trường Sa”, nhưng gửi gắm trong đó là biết bao tình cảm hướng về Trường Sa, hướng về biển, đảo của Tổ quốc thân yêu. Những tình cảm chứa chan đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Gấp tập sách lại, in sâu trong tâm trí mỗi người là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân kiên trung, vững vàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc nhưng cũng rất lãng mạn, yêu đời, luôn muốn gửi gắm những yêu thương theo cánh hải âu về với đất liền. Và như thế, những sáng tác của Lê Mạnh Thường về đề tài biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân đã hòa vào dòng chảy chung của nền văn học nước nhà, hướng về biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng.

Theo Liên Hoa (Báo Hải quân Việt Nam)

Chia sẻ bài viết