17/07/2022 - 09:36

“Soi” sức mạnh quân sự của Trung Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Với dân số 1,44 tỉ người, Trung Quốc có đủ nguồn nhân lực để duy trì một quân đội khổng lồ gồm 2 triệu quân nhân tại ngũ. Với lực lượng hùng hậu như vậy, không ngạc nhiên khi Trung Quốc có lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới, vượt mặt Ấn Ðộ và Mỹ - hai nước sở hữu số binh sĩ lần lượt là 1,45 và 1,39 triệu.

Các lực lượng chiến đấu chính của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gồm: Lục quân, Hải quân, Không quân, Tên lửa chiến lược và Chi viện chiến lược. PLA được tổ chức thành 35 tổ chức tác chiến cấp chiến lược, chia thành 118 sư đoàn bộ binh, 13 sư đoàn thiết giáp, 33 sư đoàn pháo binh/ pháo phòng không, 71 sư đoàn độc lập và 21 sư đoàn hỗ trợ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm lực lượng Hải quân PLA. Ảnh: Xinhua​

Lục quân PLA là lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới, sở hữu gần một nửa trong số 2 triệu binh sĩ của Trung Quốc và được tổ chức thành 5 cơ quan chỉ huy riêng biệt: miền Bắc, miền Ðông, miền Nam, miền Tây và miền Trung.

Trong thời kỳ đỉnh điểm khoảng những năm 1980-1990, Lục quân PLA có khoảng 10.000 xe tăng, sau đó giảm dần, đến khoảng năm 2010-2020 thì còn 7.000-8.000 chiếc. Lực lượng này cũng có chừng 2.000 xe tăng hạng nhẹ, kể cả loại Type-62 và xe tăng lội nước Type-63, bắt đầu đưa vào sản xuất từ những năm 1960. Trong thế kỷ 21, Lục quân PLA đã trải qua một chiến dịch hiện đại hóa ấn tượng, tập trung vào chiến tranh thông tin và tác chiến điện tử, có thể triển khai các cuộc tấn công chính xác tầm xa và sử dụng các phương tiện bay không người lái.

Trong khi đó, Không quân PLA lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga. Lực lượng này có 400.000 nhân viên tại ngũ, vận hành hơn 3.300 máy bay và được chia thành 5 nhánh: hàng không, phòng không, pháo binh, tên lửa đất đối không, radar và quân chủng nhảy dù. Ðược thành lập vào năm 1949, Không quân PLA chủ yếu được trang bị các loại chiến đấu cơ nhập khẩu như MiG 15 và Su-17. Nhưng giờ đây khi ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc được cải tiến, lực lượng này được trang bị các loại chiến đấu cơ sản xuất trong nước, gồm cả tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 thế hệ thứ 5.

Mới đây, Hải quân PLA đã gây xôn xao khi hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến, trở thành lực lượng sở hữu tàu sân bay nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trước thập niên 1980, Hải quân Trung Quốc đóng vai trò thứ yếu so với Lục quân. Nhưng sau đó, hải quân được Trung Quốc ưu tiên hiện đại hóa và phát triển nhanh chóng. Hiện lực lượng này có 300.000 binh sĩ tại ngũ, vận hành gần 800 tàu chiến, hơn 600 chiến đấu cơ cùng với 3 tàu sân bay, trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Trong chương trình mở rộng và hiện đại hóa hải quân đang diễn ra, Trung Quốc đẩy mạnh trang bị cho lực lượng này với vô số loại khí tài hiện đại, gồm 51 tàu khu trục, 49 khinh hạm, 70 tàu hộ tống, 109 tàu tên lửa, 79 tàu ngầm, 26 tàu săn ngầm và 17 pháo hạm.

Về mình phần, Tên lửa chiến lược là lực lượng kiểm soát kho vũ khí tên lửa đạn đạo trên đất liền, bao gồm tên lửa hạt nhân và thông thường. Tên lửa chiến lược PLA gồm 120.000 binh sĩ tại ngũ, được chia thành 6 lữ đoàn tên lửa đạn đạo, được triển khai độc lập tại các quân khu khác nhau trong cả nước. Hiện kho vũ khí của lực lượng này có hơn 2.000 tên lửa đạn đạo và hàng trăm tên lửa hành trình. Các ước tính cho rằng Trung Quốc sở hữu 320 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020 cùng với kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dao động từ 50-75 chiếc.

Trong khi đó, lực lượng Chi viện chiến lược là nhánh quân sự mới nhất của PLA, được thành lập vào năm 2015. Ðơn vị này kiểm soát các hoạt động về không gian, mạng và chiến tranh điện tử, khiến PLA trở thành đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng.

Ngoài ra, mỗi nhánh quân sự của PLA đều có các đơn vị đặc nhiệm của riêng mình, với quân số tổng cộng lên tới 14.000 người.

Việc mở rộng và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng lo lắng. Nhưng có lẽ nước lo ngại nhất là Mỹ, vốn đang tiến hành “xoay trục” sang châu Á trong nỗ lực kiềm kế sự trỗi dậy của Bắc Kinh và tăng cưởng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã thừa nhận quyền lực toàn cầu hiện đang chuyển hướng từ Ðại Tây Dương sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nên chú ý mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Sự ra đời của nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc cũng nhằm mục tiêu ngăn chặn các hành vi dùng sức mạnh trong tranh chấp của Bắc Kinh tại khu vực.

Chia sẻ bài viết