Bộ phim “RoboCop” (Cảnh sát người máy) năm 2014 của đạo diễn Jose Padilha, làm lại từ phiên bản nổi tiếng “RoboCop” năm 1987, sẽ được phát sóng trên kênh Star Movies lúc 20 giờ, thứ bảy, ngày 27-9-2014. Tuy không thành công như mong đợi khi ra rạp, nhưng phim khá hấp dẫn với nhiều đổi mới từ kỹ xảo đến nội dung.
 |
Cảnh sát người máy Alex Murphy trong phim. |
So với kịch bản năm 1987, “RoboCop” năm 2014 chỉ giữ lại cốt truyện chủ đạo, còn toàn bộ diễn biến, tình huống, chi tiết đều được khai thác theo hướng mới. Bối cảnh phim được xây dựng vào năm 2028, khi nước Mỹ đang băn khoăn có nên sử dụng cảnh sát robot để bảo vệ trật tự xã hội hay không. Để thuyết phục quốc hội và người dân, OmniCorp - tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ robot hàng đầu thế giới muốn tạo ra một người máy có linh hồn bằng cách lắp ghép máy móc với cơ thể con người. Lúc này, viên cảnh sát Alex Murphy bị một tổ chức tội phạm trả thù bằng cách gài bom ám sát, khiến anh dở sống dở chết. Vợ Alex đồng ý để tập đoàn OmniCorp biến anh thành người máy để duy trì sự sống. Alex được hồi sinh với hình hài một robot mang gương mặt và bộ não người. Để dễ bề điều khiển, tập đoàn OmniCorp đã khống chế cảm xúc của Alex, biến anh thành một cảnh sát người máy hoàn hảo và lạnh lùng. Alex trở thành khắc tinh của tội phạm nhưng xa lạ với gia đình. Tuy nhiên, dưới tác động của vợ con, Alex dần vượt qua sự khống chế, khôi phục được cảm xúc và ý thức. Anh tìm và tiêu diệt tổ chức tội phạm đã làm hại mình, đồng thời lần ra được những cảnh sát bao che, tiếp tay cho tổ chức này. Vì sợ Alex làm lớn chuyện, ảnh hưởng đến việc kinh doanh robot của công ty nên tập đoàn OmniCorp quyết định chấm dứt sự sống của anh. Alex buộc phải chiến đấu cho sự sinh tồn của mình
Điểm hấp dẫn nhất của “RoboCop” 2014 chính là kỹ xảo hoành tráng, tạo hình người máy sắc sảo, ấn tượng cùng những pha hành động, đấu súng không khoan nhượng giữa RoboCop và tội phạm, làm mãn nhãn người xem. Phim có sự dung hòa giữa các pha hành động nghẹt thở và yếu tố tâm lý nhân vật, đặc biệt là đi sâu vào tình cảm của các thành viên trong gia đình Alex. Một điểm mới mà bộ phim muốn nhấn mạnh chính là quá trình nghiên cứu, thử nghiệm để tạo ra một “người máy có tính người” là vô cùng khó khăn, phức tạp. Lẽ ra cần một thời gian dài để tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa “người” và “máy” thì tập đoàn OmniCorp đã đặt lợi nhuận và danh tiếng lên trên, buộc các nhà khoa học nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm. Kết quả là Robocop vừa bị tước đoạt cảm xúc của con người, vừa bị tách biệt với gia đình. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sự bùng nổ ở cuối phim khi Alex khôi phục ý thức và bất tuân mệnh lệnh, hành động theo bản năng để đòi lại công bằng.
Phim mang nhiều thông điệp ý nghĩa và nhân văn nhưng đáng tiếc là kịch bản còn yếu, cách thể hiện còn rối rắm khiến phim chưa làm bật được chủ đề cần nói. Hơn nửa thời lượng ban đầu của phim dành để giới thiệu các nhân vật và nói về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm tạo ra roboCop với các tình tiết dài dòng, lê thê. Các mấu chốt, xung đột của phim dồn vào đoạn cuối nhưng lại được giải quyết khá nhanh và thiếu thuyết phục khiến người xem hụt hẫng. Đặc biệt, kết thúc phim đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo khi cho Alex tiêu diệt được kẻ thù, đoàn tụ với vợ con.
Dù chưa thật hoàn hảo như mong đợi nhưng với dàn diễn viên diễn xuất tốt, kỹ xảo công phu, phiên bản “RoboCop” 2014 vẫn là một bộ phim hành động đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả.
CÁT ĐẰNG