22/07/2025 - 08:48

Trăn trở của nông dân vùng trồng mía 

Những ngày này, nhiều cánh đồng trồng mía trên địa bàn TP Cần Thơ nông dân đang vào vụ thu hoạch mía chục (mía dùng làm nước giải khát). Tuy nhiên, do giá bán mía thấp, đầu ra khó khăn nên thu nhập của người trồng mía giảm sâu.

Do tình hình tiêu thụ mía chậm nên nhân công lao động từ nghề này cũng đang gặp khó.

Giống như năm trước, vụ mía năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Líp, ở ấp Sậy Nếu, xã Phụng Hiệp, TP Cần Thơ tiếp tục chọn bán mía chục cho thương lái. Ông Líp cho hay: "Với 2 công mía của gia đình, năm rồi tôi bán mão cho thương lái được 47 triệu đồng, nhưng năm nay giảm còn 43 triệu đồng. Đối với những hộ bán mía cân ký thì có giá từ 1.200-1.300 đồng/kg, giảm khoảng 200-300 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Với giá mía như hiện nay, nông dân chỉ huề vốn hoặc có lời rất ít vì chi phí đầu tư tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm trước".

Theo chia sẻ của nông dân, nếu trước đây, khi bà con trồng mía bán cho nhà máy đường thì thời gian thu hoạch mía đối với giống mía ROC 16 là hơn 10 tháng, còn giống mía Suphan Buri 7 (Su 7) là hơn 11 tháng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, khi các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũ (nay là TP Cần Thơ) không còn hoạt động thì bà con nông dân chuyển sang trồng mía bán chục cho thương lái đem đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố dùng làm nước giải khát. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch mía chục thường chỉ mất 8 tháng đối với giống mía ROC 16, còn giống mía Su 7 thì 9-10 tháng. Mặc dù thời gian thu hoạch mía chục ngắn hơn so với mía nguyên liệu nhưng do chi phí đầu tư, nhất là phân bón và công chăm sóc nhiều nên giá thành sản xuất mỗi công mía chục trong năm nay được nông dân ước tính từ 15-16 triệu đồng.

Vừa bán xong 5 công mía chục (giống ROC 16) của gia đình, bà Phạm Thị Mau, ở ấp Sậy Nếu, xã Phụng Hiệp, bộc bạch: "Với giá mía chục đang giảm sâu như hiện nay thì tổng thu nhập mỗi công mía chỉ được khoảng 20-22 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư thì người trồng mía chỉ kiếm được lợi nhuận khoảng 5-6 triệu đồng/công. Đây là số tiền chỉ đủ để tái sản xuất cho vụ mía mới chứ không có dư nên cuộc sống của người trồng mía tiếp tục gặp khó khăn. Với thu nhập bấp bênh từ cây mía như hiện nay, nhiều hộ dân có ý định chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác sau nhiều năm gắn bó".

Hiện nay, ngoài người trồng mía gặp khó thì lực lượng nhân công làm nghề thu hoạch mía thuê cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nguyên nhân là do nhiều nhà máy đường hiện không còn hoạt động, người dân chỉ bán mía chục nhưng nhu cầu thu mua mía chục của thương lái không nhiều, từ đó công việc làm thuê của lao động tương đối ít, có ngày không có việc để làm.

Anh Nguyễn Văn Hùng, người đốn và vác mía thuê tại xã Hiệp Hưng, cho hay: "Chúng tôi có đội chuyên đốn, vận chuyển và vác mía thuê cho người dân với số lượng 10 người. Vào thời điểm các nhà máy đường còn hoạt động thì khi vào vụ thu hoạch mía, đội của tôi phải làm việc suốt ngày và kéo dài hơn 1 tháng. Còn bây giờ, mỗi lần thương lái kêu đốn mía chục thì chỉ yêu cầu đốn từ 200-300 bó/ngày. Tiền công đốn với vận chuyển từ rẫy xuống ghe chỉ được 5.500 đồng/bó mía. Như vậy, tính ra mỗi người chỉ kiếm được từ 150.000-165.000 đồng/ngày".

Giai đoạn 2010-2017, diện tích trồng mía mỗi năm tại tỉnh Hậu Giang (cũ) thường đạt trên 10.000ha, có năm hơn 14.000ha. Đây cũng là thời điểm cây mía tạo ra nguồn thu nhập hấp dẫn cho người trồng khi có nhiều nhà máy đường tại vùng ĐBSCL đứng ra hợp đồng bao tiêu và thu mua mía nguyên liệu cho người dân với giá cao. Cây mía trong thời điểm này đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, do tình tình sản xuất và tiêu thụ của ngành mía đường trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người trồng mía. Do nguồn thu nhập giảm và việc tiêu thụ gặp khó khăn nên người dân đã chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác để tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.

Qua rà soát của ngành Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, hiện diện tích trồng mía tại những vùng trọng điểm trên địa bàn thành phố đạt khoảng 7.700ha, tập trung nhiều tại xã Tân Phước Hưng, xã Hiệp Hưng, xã Phụng Hiệp, phường Ngã Bảy, xã Mỹ Tú, xã Cù Lao Dung. Vào thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được hơn 500ha để bán mía chục, với năng suất bình quân đạt khoảng 100 tấn/ha.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Trên cơ sở 2 vùng mía của tỉnh Hậu Giang (cũ) và tỉnh Sóc Trăng (cũ), tới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành rà soát lại diện tích mía cụ thể, từ đó sẽ có quy hoạch, định hướng đầu tư, phát triển vùng mía nguyên liệu gắn với nhà máy đường để nông dân an tâm gắn bó với cây mía. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ sẽ đề nghị cán bộ chuyên môn tại các địa phương có vùng trồng mía tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân canh tác mía đạt năng suất và chất lượng, để có lợi nhuận khá từ cây mía.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Chia sẻ bài viết