05/03/2014 - 15:08

“…QUYẾT CHÍ ẮT LÀM NÊN”

Câu nói ấy của Bác Hồ được lão nông Phương Tuấn Tiền ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, chọn làm phương châm sống. Khắc ghi lời Bác Hồ dạy, người nông dân này không ngừng tìm tòi học hỏi kỹ thuật mới, áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và trở thành triệu phú, với thu nhập trên 700 triệu đồng/năm… Năm 2013, ông vinh dự được Thành ủy Cần Thơ tuyên dương là điển hình qua hai năm đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị) và được UBND thành phố tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, giai đoạn 2004 - 2013.

Cuối tháng 2, trời nắng gắt, hai vợ chồng lão nông Phương Tuấn Tiền vẫn miệt mài xuống giống cho vụ mùa mới. Người thì tất bật chuyển lúa giống, người cặm cụi trên đồng ruộng, quần áo lấm lem bùn đất. Gặp chúng tôi, ông cười tươi khoe: “Hai năm qua, tôi chuyển qua trồng lúa giống Nàng Hoa 2 để bán giống cho bà con, chỉ tính vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa đạt 9 tấn/ha, thu lợi chục triệu đồng”. Chuyện trồng lúa thu lợi hàng trăm triệu đồng của ông, một thời đã từng có nhiều đồn đoán cho rằng ông bịa. Thế nhưng, có đi và tìm hiểu về cách làm ăn táo bạo của ông Tiền mới thấy sự bứt phá của một lão nông chí thú làm ăn này. Như để minh chứng, ông cho tôi xem nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền từ cấp thành phố đến huyện, xã tuyên dương những thành tích mà ông đạt được trong lao động sản xuất...

“Từ một bản tin thời sự nói về chuyện phất lên của nhiều nông dân trồng lúa Nàng Hoa 2 ở Long An, hai vợ chồng tôi bắt xe đò đi Long An tìm mua lúa giống” - ông Tiền kể lại chuyến đi hơn 2 năm trước mà đôi mắt lấp lánh niềm vui vì đã có quyết định đúng đắn. Điều bất ngờ là trước khi đổi sang giống lúa mới, gần 4ha đất của ông đều trồng lúa Jasmine - vốn có năng suất, giá lúa khá cao. Ban đầu ông trồng thử nghiệm hơn 70kg lúa giống Nàng Hoa 2 trên diện tích hơn 4.000m2. Vụ mùa đầu tiên, năng suất và giá lúa Nàng Hoa 2 so với một số giống lúa cao sản khác đều cao hơn hẳn. Từ đó, ông chuyển toàn bộ diện tích gần 4ha sang trồng giống Nàng Hoa 2. Ý định táo bạo ấy khiến một số hộ nông dân cho là “điên rồ”. Kết quả qua 2 năm trồng giống lúa mới đã giúp ông có thu nhập trên 700 triệu đồng/năm và là điểm cung cấp lúa giống cho nhiều nông dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang...

Ông Phương Tuấn Tiền, ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) chuẩn bị lúa giống
cho vụ hè thu.
 

Nhắc về Bác, ông đọc vanh vách lời Bác dạy “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền…”, vì vậy bản thân ông luôn tâm niệm làm việc gì cũng phải kiên trì, quyết tâm thì sẽ thành công. Nhấp vài ngụm trà, đôi mắt lão nông Phương Tuấn Tiền hấp háy suy tư. Ông kể, thật ra lúc chuyển sang trồng lúa Nàng Hoa 2 thay cho giống Jasmine, nhiều người cho rằng ông “tham”. Trong đầu ông, cứ hiện ra những câu hỏi: “Giống lúa mới có khó chăm sóc không?”, “Năng suất ra sao?”, “Bệnh tật thế nào?”... Những điều này khiến nhiều đêm ông trăn trở không ngủ được. Vừa làm vừa học hỏi, bên cạnh học tập kinh nghiệm trồng trọt trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn học hỏi kinh nghiệm của nông dân trong và ngoài thành phố; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, hội thảo đầu bờ. Ứng dụng mô hình công nghệ sinh học trong trồng lúa là kết quả của những ngày ông Tiền được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp. Ông chia sẻ: “Trên bờ bao tôi trồng nhiều loại hoa để thu hút thiên địch, nhờ vậy, lúa ít bị sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận đạt cao”.

Để tăng thêm thu nhập, ông Tiền còn nuôi gà lôi, trung bình mỗi năm xuất bán từ 200 - 400 con. Giá gà lôi khá cao trung bình 130 ngàn đồng/kg, sau 5- 6 tháng nuôi, mỗi con có thể đạt trên 5kg, giá bán từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con. Còn 2.700m2 diện tích đất xung quanh nhà, ông trồng trên 45 gốc măng cụt, hiện có 24 gốc cho trái với thu nhập gần chục triệu đồng mỗi năm. Theo ông, người nông dân cần mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình mới, có như thế mới vươn lên làm giàu. Ông Tiền tâm sự: “Mình siêng làm ăn cũng là để làm gương cho con cháu noi theo để chúng không lười biếng hoặc ỷ lại mà chăm lo làm ăn”. Với ông, phấn đấu làm ăn phát triển kinh tế gia đình cũng là cách góp sức thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Người có kinh nghiệm sản xuất chia sẻ cho người chưa có kinh nghiệm rồi hỗ trợ cây, con giống giá rẻ, đoàn kết giúp nhau vươn lên làm giàu. Ông Võ Văn Gương - nông dân ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, chia sẻ: “Ở xóm này, bà con quý mến ông Tiền không chỉ vì ông siêng năng và chí thú làm ăn mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây con giống giúp bà con vươn lên”. Ông Gương kể, mấy năm nay hơn 1ha ruộng lúa và rẫy dưa hấu do ông trồng liên tục đạt năng suất cao cũng nhờ được sự hướng dẫn tận tình của lão nông Tuấn Tiền.

Không chỉ nức tiếng là nông dân giỏi, ông Tiền còn tham gia tích cực các phong trào từ thiện tại địa phương, từ việc tình nguyện góp tiền, góp công xây dựng cầu đường giao thông nông thôn đến quyên góp gạo giúp người nghèo đều đặn mỗi tháng. Ông nói: “Bà con xóm giềng những lúc khó khăn cần sự san sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Thấy bà con đỡ khổ lòng tôi cũng thêm vui…”.

Bài, ảnh: DÂN AN

Chia sẻ bài viết