14/11/2019 - 08:32

“Pháp sư mù” và hành trình đi tìm “Thiện Tâm” 

8 tập phim “Ai chết giơ tay” của Huỳnh Lập phát hành trên mạng năm 2018 đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút đông đảo khán giả. Tiếp nối thành công đó, Huỳnh Lập và ê kíp vừa ra mắt người hâm mộ phim điện ảnh “Pháp sư mù”, có nội dung tiếp theo câu chuyện còn dang dở. Phim trở thành hiện tượng phòng vé khi vừa công chiếu ngày đầu tiên đã thu về hơn 10 tỉ đồng.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Poster phim.

Nội dung phim tiếp tục xoay quanh hành trình trừ tà của bộ ba: Tinh Lâm (Huỳnh Lập), Thụy Du (Quang Trung) và Liên Thanh (Hạnh Thảo). Sau cuộc chiến với cụ Cố, Tinh Lâm thì mù lòa, Thụy Du hôn mê không rõ sống chết. Liên Thanh và Nguyệt Minh (Khả Như) đưa Tinh Lâm tìm đến nhà của cậu Út Quái (Đại Nghĩa), nhờ ông chữa mắt cho Lâm. Nhưng họ liên tục bị ám hại và cuốn bí kíp gia truyền của Tinh Lâm biến mất một cách bí ẩn. Sau nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm, sự thật dần được sáng tỏ, người đứng sau điều khiển mọi thứ là người không ai ngờ tới...

Hành trình của bộ ba nhân vật chính trong phần này không đơn thuần là tìm lại ánh sáng cho đôi mắt của Tinh Lâm mà còn là quá trình đi tìm “Thiện Tâm” trong mỗi con người. Tuy “Thiện Tâm” được hiện thực hóa thành một nhân vật có liên quan đến tiền kiếp và nguyên nhân mù lòa của Tinh Lâm nhưng ai cũng hiểu: “Thiện Tâm” trong mỗi con người là điều khó tìm kiếm nhất. Chính vì vậy, ở cuộc chiến cuối cùng, Tinh Lâm chỉ có thể lật ngược thế cờ, giành chiến thắng trước đối thủ chỉ vì anh có “Thiện Tâm”. Thông điệp của phim rất rõ ràng khi nhắn gửi: “Thiện tâm ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Con người vì tham vọng, hư danh, sự đố kỵ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được điều mình mong muốn thì dù có tài mà không có tâm, cuối cùng cũng chuốc lấy thất bại mà thôi. “Thiện tâm” ấy còn thể hiện ở lòng thành, ở những điều nhỏ nhặt nhất như hiếu kính với cha mẹ, đối xử tốt với mọi người... Bà An (Việt Hương) trong phim là nhân vật có tính phê phán cao khi chuyên đi làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi mà bỏ rơi mẹ già, không dạy dỗ con cái…

Kịch bản phim có sự sáng tạo, nội dung ý nghĩa, nhiều kịch tính, bất ngờ, kỹ xảo phù hợp. Bộ ba nhân vật chính vẫn giữ được nét duyên dáng và điểm mạnh trong diễn xuất khi chuyển từ phim chiếu mạng sang điện ảnh. Điểm sáng về diễn xuất còn có NSƯT Ngọc Giàu và Đại Nghĩa, mang lại những nốt trầm và độc, lạ cho phim. Tuy nhiên, phim còn tham chi tiết và có quá nhiều nhân vật nên đôi khi còn lê thê, rườm rà. Một số nhân vật có mặt chỉ để góp vui, gây cười chứ không tạo được dấu ấn riêng. 

Nhìn chung, “Pháp sư mù” là nỗ lực đáng ghi nhận của đạo diễn Lý Minh Thắng cùng ê-kíp khi phát triển khá tốt mạch phim từ hình thức chiếu mạng lên màn ảnh rộng. Phim cũng là “làn gió mới” trong việc khai thác thể loại phim kinh dị, tâm linh của điện ảnh Việt.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết