14/06/2019 - 09:40

“Pháo đài Trump’’ở Ba Lan? 

Ngày 12-6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ triển khai thêm 1.000 binh sĩ đến Ba Lan, động thái mà Warsaw lâu nay đợi chờ để đối phó “các hoạt động khiêu khích” từ Nga.

Tổng thống Trump (phải) trao đổi với người đồng cấp Ba Lan Duda. Ảnh: FP

Thông báo trên được ông Trump đưa ra trong cuộc họp báo chung với người tương nhiệm Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng, sau khi ký tuyên bố chung củng cố hợp tác quốc phòng và xem một chiến đấu cơ tàng hình F-35 bay biểu diễn. Ông Trump cho biết Ba Lan đang xây dựng các cơ sở hạ tầng để tiếp nhận số binh sĩ mới và chính họ sẽ chi trả cho việc tăng cường sự hiện diện quân sự này. Cùng ngày, nhận định về quyết định triển khai thêm quân tới Ba Lan, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hoan nghênh bước đi này thể hiện “cam kết mạnh mẽ của Mỹ với an ninh châu Âu và sức mạnh đoàn kết xuyên Đại Tây Dương”.

Hiện có khoảng 5.000 lính Mỹ cùng các lực lượng NATO đồn trú luân phiên tại Ba Lan. Mỹ đưa quân đến đây theo thỏa thuận năm 2016 với NATO sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, nước láng giềng ở phía Đông của Ba Lan. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, viện dẫn những lo ngại về “sự hung hăng của Nga”, quốc gia Đông Âu này đã hối thúc Mỹ điều thêm binh sĩ. Do vậy tại Nhà Trắng, Tổng thống Duda đã tìm cách lấy lòng ông Trump, thậm chí ca ngợi ý tưởng Ba Lan lập nên “Pháo đài Trump” (đặt theo tên của Tổng thống Donald Trump) để làm nơi đồn trú cho hàng ngàn binh sĩ xứ cờ hoa.

Một số chuyên gia nhận định rằng việc tăng cường binh sĩ chủ yếu mang ý nghĩa là “phần thưởng” cho Ba Lan vì cam kết của nước này đối với an ninh. Thật ra, Ba Lan là một trong 8 nước thành viên NATO thực hiện đầy đủ cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/năm cho quốc phòng. Theo cam kết NATO đạt được năm 2014, mỗi nước phải đạt mức chi với tỷ lệ như vậy chậm nhất là vào năm 2024. Cũng vì vấn đề này mà quan hệ Mỹ - NATO dưới thời Tổng thống Trump thường xuyên hục hặc. Thậm chí từ hồi vận động tranh cử tổng thống, tỉ phú New York đã cực lực chỉ trích các quốc gia thành viên không đóng góp tài chính đầy đủ, nhất là Đức. Do vậy, cũng có thể hiểu tại sao chủ nhân Nhà Trắng ngày 12-6 khẳng định số binh sĩ điều động tới Ba Lan sẽ được rút từ Đức.

Thật ra, tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ba Lan khác biệt hoàn toàn với việc thiết lập một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại đây, tức “Pháo đài Trump”. Ý tưởng “Pháo đài Trump” trên thực tế đã bị tạm gác vì bị chỉ trích là bước đi khiêu khích không cần thiết đối với Nga. 

Jeffrey Mankoff tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế lập luận rằng toán binh sĩ sắp đến Ba Lan sẽ chủ yếu tập trung vào công tác hậu cần và hỗ trợ, nên sự hiện diện của họ sẽ không vi phạm thỏa thuận an ninh được NATO và Nga ký năm 1997. 

Ngoài việc tăng cường quân số, Mỹ cũng sẽ thành lập một trụ sở và một trung tâm huấn luyện tác chiến nằm dưới sự quản lý của lực lượng Mỹ và Ba Lan tại thị trấn Drawsko Pomorskie. Cũng theo tuyên bố chung nói trên, Washington sẽ triển khai một phi đội máy bay không người lái MQ-9 Reaper cùng một lực lượng đặc nhiệm tại quốc gia này. Được biết, phía Ba Lan cũng lên kế hoạch đặt mua hơn 30 tiêm kích F-35 của Mỹ.

THANH BÌNH (Theo AFP, FP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
TrumpBa Lan