13/04/2021 - 08:57

Ðột phá từ mô hình Trường Ðiển hình đổi mới 

Sau 4 năm thực hiện mô hình Trường Ðiển hình đổi mới (ÐHÐM), ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ đã tạo sự chuyển biến toàn diện về chất lượng, hiệu quả trong dạy và học; đồng thời, trường lớp được tăng cường đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Cô trò Trường Tiểu học Bình Thủy hoạt động trải nghiệm.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Năm 2017, ngành GD&ÐT thành phố bắt đầu triển khai thực hiện mô hình Trường ÐHÐM tại 4 trường ở 4 bậc học: Mầm non Hướng Dương, Tiểu học Ngô Quyền, THCS Châu Văn Liêm và THPT Bùi Hữu Nghĩa. Ðến năm 2020, thành phố có 53/454 trường từ mầm non đến THPT thực hiện mô hình này. Ðánh giá sau 4 năm thực hiện Trường ÐHÐM, các nhà giáo đều cho rằng mô hình này đã tạo được sự chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả GD&ÐT; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục dần tăng tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Ðặc biệt, đội ngũ giáo viên các trường đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn theo các quy định hiện hành.

Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, việc trước tiên khi thực hiện mô hình Trường ÐHÐM là đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên biết cách hướng dẫn học sinh tự học hoặc hoạt động nhóm; đồng thời theo dõi, đánh giá, hỗ trợ từng học sinh; tổ chức môi trường tích cực, cởi mở để đảm bảo học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ và chủ động nắm bắt kiến thức mới. “Các em học sinh biết tự học, làm việc nhóm theo tài liệu và hướng dẫn của thầy cô. Từ đó chủ động trong học tập, mạnh dạn đặt câu hỏi và trao đổi với thầy cô trong việc tìm tòi, lĩnh hội kiến thức; thay vì bị động như hình thức cũ”, bà Trần Hồng Thắm nhấn mạnh đến hiệu quả của mô hình.

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục các quận, huyện, việc triển khai thực hiện mô hình Trường ÐHÐM đã thổi luồng gió mới cho việc dạy và học. Ðơn cử như quận Thốt Nốt có 5/46 trường; huyện Phong Ðiền có 4/36 trường; đặc biệt, quận Bình Thủy có 29/29 trường các cấp học thực hiện mô hình Trường ÐHÐM... Những hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, hoạt động trải nghiệm ở trường đã giúp học sinh tự tin, rèn luyện kỹ năng sống; biết yêu thương và hành động trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Ðội ngũ giáo viên ý thức rõ hơn vai trò hướng dẫn và định hướng trong dạy và học.

Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, cho biết: “Từ năm 2017, các trường tiểu học được chọn triển khai mô hình đã thực hiện 2 tài liệu dạy học (sách VNEN và sách giáo khoa hiện hành). Các trường đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực. Ðơn cử như tùy theo khả năng của từng em, giáo viên giao bài tập phát triển năng lực theo mức độ, từ chuẩn kiến thức đến nâng cao, dạy học phương pháp bàn tay nặn bột hay theo mô hình trường học mới”. Quả ngọt từ mô hình Trường ÐHÐM ở quận Bình Thủy có thể thấy rõ qua việc nhiều năm liền học sinh ở Bình Thủy đạt giải cao tại cuộc Giao lưu Robothon và Wecode quốc tế.

Thay đổi diện mạo trường học

Ðiểm nổi bật khi các trường thực hiện mô hình Trường ÐHÐM là cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường ngày càng được địa phương đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chỉ tính riêng năm 2020, các quận, huyện đã đầu tư xây dựng mới thêm nhiều phòng học, bổ sung các phòng chức năng như: Phòng vi tính, phòng thực hành Hóa học - Vật lý, nâng cấp sửa chữa toàn bộ cơ sở vật chất của các trường học... với tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các trường được chọn thực hiện mô hình Trường ÐHÐM còn chủ động vận động kinh phí, tận dụng cơ sở vật chất hiện có, bố trí thêm phòng “Tham vấn tâm lý học đường” để kịp thời nắm bắt và tư vấn tâm lý cho học sinh; bổ sung, trang trí các phòng chức năng; đầu tư thêm máy vi tính, thiết bị dạy học Âm nhạc… Các trường đã huy động xã hội hóa trị giá hơn 4,3 tỉ đồng.

Hiện nay, tất cả 53 trường thực hiện mô hình Trường ÐHÐM của TP Cần Thơ đều tổ chức tốt việc xây dựng không gian xanh và giữ gìn vệ sinh trường học; xây dựng kế hoạch cho học sinh tham gia hoạt động vệ sinh làm sạch, đẹp trường lớp. Ðặc biệt, các trường đang vận dụng hiệu quả tính ưu việt của phương pháp giáo dục hành động, góp phần cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt của giáo viên, học sinh.

Giờ hoạt động ngoài trời của các bé Trường Mầm non 2 Tháng 9.

Ðiển hình như Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, thực hiện mô hình Trường ÐHÐM từ năm 2020, đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ðặc biệt công tác xã hội hóa trong năm học 2019-2020 được ủng hộ 250 triệu đồng từ nhiều đơn vị; các công trình sân khấu học đường, khu trải nghiệm STEM lĩnh vực nông nghiệp được xây dựng với chi phí hơn 116,9 triệu đồng. Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Trường ÐHÐM kết hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên, thông qua tập huấn, hội thảo chuyên đề; xây dựng nhà trường theo tiêu chí “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”. Ðồng thời, trường tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm STEM, cũng như tăng cường vận động xã hội hóa giáo dục hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập”.

*
*       *

Khởi đầu thực hiện mô hình Trường ÐHÐM, ngành Giáo dục thành phố xác định đây là một trong những đột phá nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ÐT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Sự thay đổi nhận thức của đội ngũ chưa đồng đều; ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khiến việc thực hiện mô hình Trường ÐHÐM năm 2020 không đúng tiến độ; chất lượng từng lúc từng nơi chưa tương xứng với các tiêu chí…

Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, cho biết: “Lúc đầu triển khai mô hình Trường ÐHÐM, quận cũng gặp nhiều khó khăn là do chưa chủ động. Phòng đã tổ chức cán bộ, giáo viên các trường học tập kinh nghiệm mô hình từ các đơn vị bạn; sau đó triển khai hiệu quả tại các trường, tạo được niềm tin cho phụ huynh”. Do điều kiện thực tiễn, nguồn lực và đời sống địa phương, nên một số trường ở quận Bình Thủy còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, các trường đã thực hiện nhiều giải pháp phù hợp như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh qua lao động nông nghiệp; cơ sở sản xuất, xí nghiệp… “Mô hình Trường ÐHÐM tiếp tục được nhân rộng và gắn kết với Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Do đó, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin...”, cô Phương chia sẻ.

Sắp tới, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện mô hình Trường ÐHÐM từ năm 2017 đến năm 2020. Ngành tập trung nâng cao năng lực sư phạm và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ngành cũng chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6.  

Từ các hoạt động trải nghiệm và sáng tạo của mô hình Trường ĐHĐM, đã góp phần thúc đẩy học sinh TP Cần Thơ tham gia 611 sản phẩm nghiên cứu khoa học; đoạt 18 giải quốc gia và quốc tế cuộc thi Wecode; 13 giải quốc gia và quốc tế cuộc thi Robothon…

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết