14/01/2025 - 08:31

“Ðộng thái lớn” của Trung Quốc trước khi ông Trump trở lại 

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2024, Trung Quốc luôn “bận rộn” với những màn phô trương sức mạnh cả công khai lẫn bí mật, qua đó gia tăng áp lực lên các đồng minh, đối tác của Mỹ đồng thời thể hiện thách thức đối với Washington, cả chính quyền hiện tại và sắp tới.

Chiến hạm Tứ Xuyên vừa được Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Getty Images

Trong vài tháng qua, Trung Quốc hết ra mắt chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo, hạ thủy tàu chiến mới đến lần đầu mô phỏng một cuộc phong tỏa hải quân Nhật Bản và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn gần Ðài Loan.

Phía Ðài Bắc cho biết, Trung Quốc đã triển khai khoảng 90 tàu hải quân và tàu tuần duyên xung quanh hòn đảo này cũng như các đảo phía Nam Nhật Bản. Song, Bắc Kinh không thừa nhận đây là một cuộc tập trận quân sự. Chưa hết, Ðài Loan cho hay Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này hơn 60 lần và mô phỏng các cuộc tấn công vào tàu nước ngoài cũng như phá hoại hoạt động hàng hải của các tàu khác. Theo Business Insider, đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng Eo biển Ðài Loan năm 1996. Nó diễn ra chỉ ít lâu sau chuyến thăm của lãnh đạo Ðài Loan Lại Thanh Ðức tới một số đối tác Thái Bình Dương và trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Giselle Donnelly, thành viên cấp cao về chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng thời điểm diễn ra cuộc tập trận nói trên “không là sự trùng hợp ngẫu nhiên”, mà nó không khác gì những nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vài tháng qua nhằm gây sức ép lên Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức. Theo bà Donnelly, Bắc Kinh có thể coi các cuộc tập trận như thế là một cách để “đọc vị” cách tiếp cận của chính quyền Trump sắp tới đối với quan hệ Mỹ - Trung.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự giống như một cuộc phong tỏa hải quân ở eo biển Miyako - eo biển giữa đảo Miyako ở phía Nam và đảo Okinawa ở phía Bắc trong chuỗi đảo Ryukyu của Nhật Bản. Và ngay trước khi bước sang năm 2025, Bắc Kinh tuyên bố rằng lực lượng không quân và hải quân nước này đang tiến hành các cuộc tần tra sẵn sàng chiến đấu xung quanh bãi cạn Scarborough, nơi diễn ra các cuộc đối đầu liên tục giữa Trung Quốc và Philippines hồi năm ngoái.

Trước đó, Trung Quốc hồi tháng 11-2024 cũng đã ra mắt nhiều chiến đấu cơ tiên tiến tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, gồm chiến đấu cơ tàng hình J-35A, được nhà phát triển nước này hết lời ca ngợi về khả năng tàng hình, thông tin hóa và kết nối mạng, gọi đây là “hậu vệ” cho sức mạnh không quân của Trung Quốc, tương tự như cách nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin và quân đội Mỹ gọi chiến đấu cơ tàng hình F-35 là “tiền vệ”. Chỉ ít lâu sau đó, Trung Quốc đã khiến những người theo dõi hàng không nước này phải ngạc nhiên khi Bắc Kinh tung nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo. Lầu Năm Góc trong báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc mới nhất cho hay Bắc Kinh đang phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm trung và tầm xa mới để tấn công các mục tiêu trong khu vực và toàn cầu.

Ðáng chú ý, Trung Quốc cũng đã hạ thủy Tứ Xuyên, tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới được kỳ vọng trở thành “tàu sân bay máy bay không người lái (UAV)” đầu tiên trên thế giới. Chiến hạm Tứ Xuyên được trang bị công nghệ catapult điện từ tiên tiến - tương tự trên tàu sân bay Phúc Kiến. Hệ thống này giúp máy bay cất cánh nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời cho phép tàu mang theo các phương tiện tác chiến hiện đại như UAV, trực thăng và chiến đấu cơ. Ðược biết, chiến hạm này có lượng giãn nước đầy tải hơn 40.000 tấn. Theo nhà phân tích quân sự Du Wenlong, việc tích hợp UAV tấn công và trinh sát sẽ biến Tứ Xuyên thành “tàu sân bay UAV”, mở rộng đáng kể phạm vi và hiệu quả tác chiến.

Ngoài ra, phía Trung Quốc còn bị Mỹ nghi đứng sau các vụ tấn công mạng vào Bộ Tài chính cũng như các công ty viễn thông xứ cờ hoa. Theo CBS News, Bộ Tài chính Mỹ ngày 30-12 năm ngoái cáo buộc tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào một nhà cung cấp dịch vụ phần mềm bên thứ ba, từ đó truy cập được vào các máy trạm và các tài liệu chưa phân loại của bộ này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó lên tiếng bác bỏ và gọi cáo buộc này là “vô căn cứ”.

Matthew Funaiole, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Business Insider rằng “những động thái lớn” nói trên của Bắc Kinh có thể là “một phần của chiến lược dài hạn nhằm định hình cách tiếp cận của chính quyền Mỹ mới đối với Trung Quốc và ngăn chặn sự hỗ trợ bên ngoài cho Ðài Loan”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết