20/12/2024 - 08:48

Ðồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp 

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tại buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều kiến nghị của DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cần sự đồng hành, trợ lực của chính quyền thành phố…

Ông Lê Văn Ðồng, Giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long nêu kiến nghị tại buổi tọa đàm.

Cần sự đồng hành

Tại buổi tọa đàm các DN gởi lời cảm ơn đến sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thành phố, giúp cho DN ổn định hoạt động. Ðồng thời cho rằng việc tổ chức buổi tọa đàm trong những ngày cuối năm có ý nghĩa rất lớn đối với DN để từ đây DN xây dựng định hướng hoạt động trong năm mới. Tại đây, đại diện lãnh đạo thành phố, các DN cũng đưa ra những tâm tư, nguyện vọng cùng với những vấn đề khó khăn cần được thành phố hỗ trợ.

Bà Huỳnh Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trí tuệ Ðồng Bằng, mong muốn, đối với các DN mới thành lập sau khi đăng ký và nhận giấy phép đầu tư cần có sự hỗ trợ ở những bước tiếp theo như mở tài khoản, đăng ký chữ ký số… “Ở những ngày đầu thành lập, DN rất khó khăn, đặc biệt lúng túng ở các thủ tục hành chính. Do vậy, sự hỗ trợ tích cực từ phía các sở, ngành có thể coi là “ngọn đèn” soi sáng cho DN ngay ở những bước đi đầu tiên, từ đó sẽ giúp DN làm đúng, đi đúng hướng ngay từ đầu”, bà Kim Cương nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Ðồng, Giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long (DN vốn đầu tư 100% nước ngoài) cho biết, sau 25 năm hoạt động DN đã xây dựng được thương hiệu vững mạnh; hàng hóa xuất đi châu Âu và các nước khu vực lân cận ở phân khúc cao. Trong kế hoạch mở rộng, công ty muốn xây thêm một nhà máy với diện tích đất khoảng 3ha, nhưng DN nhận được câu trả lời là hiện nay đang trong quá trình rà soát quy hoạch nên phải đợi đến quý III hoặc quý IV năm 2025 mới có câu trả lời là có đất hay không để đầu tư nhà máy mới. “Chúng tôi mong muốn phát triển bền vững ở vùng đất này, nếu việc giải quyết như trên sẽ làm chậm đi sự phát triển của DN, do vậy mong chính quyền thành phố cần quyết liệt trong hành động. Bởi đối với DN ngay địa phương chưa được chăm sóc tốt thì việc thu hút DN mới sẽ càng khó khăn hơn. Mong quý cơ quan, ban ngành có câu trả lời sớm với DN chúng tôi hoặc một DN khác đang có hướng mở rộng phát triển tại Cần Thơ có được bức tranh rõ ràng để triển khai kế hoạch tiếp theo”, ông Ðồng trăn trở. Ông Ðồng cũng cho biết thêm, DN đang cần nguồn lao động chất lượng cao, đặc biệt lao động có khả năng sử dụng ngoại ngữ. Do vậy, đề nghị thành phố tạo điều kiện kết nối cho DN và các trường đại học để nắm được nhu cầu đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực đủ khả năng làm việc cho DN.

Ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ, cho rằng: “Từ thực tế của DN  cho thấy việc chăm sóc khách hàng tại chỗ là rất quan trọng, nó giúp cho chúng tôi có được những khách hàng truyền thống và từ họ chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia của các DN khác. Cách làm này tiết kiệm được rất nhiều chi phí xúc tiến, quảng bá, tiếp thị. Thiết nghĩ cách làm này cũng sẽ phù hợp để địa phương áp dụng trong việc thu hút đầu tư”.   Theo ông Nguyễn Thế Vũ, vị trí huyện Vĩnh Thạnh (nơi đặt khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh) nói riêng, Cần Thơ nói chung và các tỉnh ÐBSCL kết nối hạ tầng còn kém. Tại huyện Vĩnh Thạnh hiện nay chỉ có 2 con đường kết nối là tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và quốc lộ 80, nhưng quốc lộ 80 chiều ngang lộ chỉ 7m khó đáp ứng lưu thông hàng hóa cho các DN, đặc biệt là các DN lớn, lưu lượng hàng hóa mỗi ngày rất lớn. Cũng theo ông Vũ, chiều rộng trục đường lớn nhất bên trong VSIP là 80m, khi xe từ cầu Vàm Cống đổ xuống là vào thế “thắt cổ chai”. Do vậy, đề nghị thành phố nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về hạ tầng giao thông; đồng thời đẩy mạnh đầu tư, kết nối hạ tầng ra bên ngoài tốt hơn để khi khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh đi vào hoạt động thu hút được nhiều DN đến đầu tư. 

Cùng lắng nghe và chia sẻ

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA), cho biết, trước buổi tọa đàm, CPA phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Công Thương thành phố khảo sát, ghi nhận ý kiến và kiến nghị của các DN. Theo đó, DN gặp khó trong việc tuyển dụng lao động phổ thông và tay nghề nhất là lao động có trình độ tiếng Trung Quốc, Ðức và Nhật; thủ tục xin cấp C/O hiện nay vẫn còn mất thời gian vì vừa khai báo trên hệ thống điện tử và vừa phải nộp lại bộ hồ sơ giấy cho bộ phận cấp C/O tốn kém chi phí đi lại; giá thuê đất khu công nghiệp chưa hợp lý; việc thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) gặp khó khăn về cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) trên hệ thống phần mềm; nguy cơ mất trật tự và an toàn giao thông tại các khu công nghiệp; cần hỗ trợ vị trí thuê đất tại khu công nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh tiến độ triển khai, thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải Ðịnh An - Sông Hậu…

DN cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố có ý kiến về việc hiện nay Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tính trên tăng lũy kế chứ không dựa trên giá ban đầu theo hợp đồng. Theo chu kỳ thuê đất mới, sau 5 năm, giá thuê đất tăng từ 15%, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí đầu tư của DN. Trong khi theo DN, hạ tầng khu công nghiệp Trà Nóc thường bị ngập nặng khi trời mưa lớn dẫn đến hàng hóa ở tất cả vị trí kho trữ hàng của công ty bị thiệt hại và mất nhiều thời gian xử lý. Tại khu công nghiệp Trà Nóc 2 hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm không đủ sáng cho người lao động đi làm ca đêm, không có biển báo hoặc gờ giảm tốc tại một số ngã tư nên dễ xảy ra tai nạn và mất an toàn giao thông…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận, đến thời điểm này, sau khi ảnh hưởng dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra sức ép cho mọi mặt đời sống xã hội, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, biến đổi khí hậu, thiên tai… làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống người dân. Với tình hình đó, UBND thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HÐND thành phố, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận, có 3 vấn đề địa phương vẫn rất băn khoăn, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu 7,5-8% như nghị quyết năm đã đề ra; quy mô nền kinh tế vẫn không tăng nhiều hơn so với những năm trước và giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế. Do vậy, cuộc đối thoại với DN nhằm để lãnh đạo địa phương lắng nghe những ý kiến đóng góp, thậm chí đón nhận phê bình mang tính chất xây dựng từ DN, các tổ chức, hiệp hội để địa phương có giải pháp hiệu quả đưa kinh tế thành phố phát triển hơn. Ðồng thời nhấn mạnh, lãnh đạo TP Cần Thơ cam kết lắng nghe và thúc đẩy tháo gỡ khó khăn để giúp doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển. Ðây cũng là cam kết nhằm đưa kinh tế của địa phương phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

 

Chia sẻ bài viết