01/10/2022 - 20:22

Ðời không như là mơ! 

HOÀNG NAM (Theo The Guardian, The East African)

Khi Joy Simiyu rời Kenya để đến giúp việc cho một gia đình ở quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia, cô tin rằng cuộc đời mình sẽ bước sang trang mới tốt đẹp hơn. Thế nhưng, đời quả thực “không như là mơ”.

Phụ nữ Kenya trong một buổi tập huấn về công việc giúp việc nhà. Ảnh: Guardian

Vì áp lực tài chính, Simiyu đành gác lại giấc mơ tốt nghiệp đại học để đến Saudi Arabia ôm theo giấc mộng “đổi đời”. “Tôi đã rất khát khao có được việc làm vốn rất khó tìm tại quê nhà” - Simiyu cho biết. Nhưng chỉ trong vài tháng sau khi đặt chân đến vương quốc giàu dầu mỏ, cô gái 25 tuổi này đã quay trở lại Kenya, mang theo câu chuyện đau đớn nhưng quen thuộc về việc bị người sử dụng lao động bạo hành, qua đó cảnh báo những người khác không nên đến Saudi Arabia để làm việc.

Simiyu kể, cô thường xuyên bị bạo hành khi ở Saudi Arabia, bị buộc phải làm việc trong nhiều gia đình, luôn trong tình trạng đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi. Nhiều chủ nhà thậm chí còn không trả lương cho cô do cho rằng công sức mà cô bỏ ra không đủ để nhận lương. Khi không thể chịu đựng được nữa, Simiyu trốn khỏi ngôi nhà mà cô giúp việc và tìm đến công ty giới thiệu việc làm, yêu cầu được chuyển đến làm cho một hộ gia đình khác. Trớ trêu thay, cô cũng như nhiều phụ nữ khác bị công ty bắt nhốt, cho ăn một bữa mỗi ngày và còn yêu cầu họ “đổi tình lấy việc”. Chỉ sau khi Simiyu và một số người khác may mắn trốn thoát, họ mới được đưa đến đại sứ quán Kenya ở Saudi Arabia, nơi tạo điều kiện cho họ về nước.

Không riêng gì những phụ nữ nói trên, ngày càng nhiều người Kenya đến Saudi Arabia để tìm việc làm. Tuy nhiên, nơi đây từ lâu được nhiều người coi là một trong những nơi làm việc nguy hiểm nhất trên thế giới. Những người sử dụng lao động ở quốc gia vùng Vịnh này thường xuyên bị cáo buộc bạo hành thể chất, tinh thần, thậm chí là tình dục đối với những người giúp việc nhập cư.

Ở Kenya, làn sóng phẫn nộ mới về nạn bạo hành đối với lao động nhập cư tại Saudi Arabia đã được “kích hoạt” khi những bức ảnh về Diana Chepkemoi, một công nhân trẻ người Kenya đang làm việc tại Saudi Arabia, hồi đầu tháng 9 được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội cùng với những ca thán rằng cô ấy chịu cảnh bị người sử dụng lao động bạo hành và bỏ rơi. Dưới áp lực ngày càng tăng từ phía công chúng, Chính phủ Kenya đã giúp Chepkemoi cùng với một số lao động giúp việc nhà khác đang phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự ở Saudi Arabia hồi hương, gồm cả Simiyu.

Theo tờ Guardian, Haki Africa, tổ chức nhân quyền chuyên vận động cho quyền người lao động trên khắp châu Phi, chỉ trong năm nay đã nhận được 51 đơn tố cáo vấn nạn bạo hành người giúp việc nhà người Kenya tại Saudi Arabia. Ðáng chú ý, trên mạng xã hội ngày càng xuất hiện những đoạn video ghi lại cảnh những người phụ nữ đau khổ yêu cầu giúp đỡ và ít nhất 10 lời kêu cứu mới sau khi các báo cáo về bạo hành tại Saudi Arabia xuất hiện vào tháng 9. Ðáng lo ngại khi một báo cáo của Bộ Ngoại giao Kenya hồi cuối năm ngoái cho thấy, ít nhất 89 người Kenya, hầu hết là những người giúp việc nhà, đã chết ở Saudi Arabia trong giai đoạn 2020-2021. Song, phía Riyadh cho rằng những cái chết đó là do “ngừng tim”.

Trong bối cảnh trên, Chính phủ Kenya đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tình trạng bạo hành, chẳng hạn như giám sát các công ty tuyển dụng lao động giúp việc nhà, liệt kê các công ty đáng tin trên trang web của chính phủ, đồng thời ký các thỏa thuận lao động song phương với Saudi Arabia, thiết lập cổng thông tin chuyên ghi nhận tình trạng bạo hành phụ nữ. Về phần mình, Saudi Arabia trước sức ép ngày càng lớn cũng thực hiện một số biện pháp để bảo vệ lao động giúp việc nhà và đưa ra chương trình bảo vệ tiền lương. Song, những cáo buộc về việc không trả lương và bắt giam lao động giúp việc nhà người Kenya ở quốc gia vùng Vịnh này vẫn tiếp diễn.

Trước đây, các nước như Uganda hay Philippines đã ngừng việc đưa lao động giúp việc nhà đến Saudi Arabia do có nhiều báo cáo về tình trạng bạo hành lao động tại nước này nhưng sau đó lệnh cấm đã được dỡ bỏ.

Saudi Arabia dựa vào hàng triệu lao động nước ngoài được trả lương thấp như người giúp việc nhà, chăm sóc bệnh nhân, bảo mẫu, tài xế và bảo vệ. Hơn 30% trên tổng số 35 triệu người sinh sống tại vương quốc Arab này là dân nhập cư. Tuy nhiên, giống với nhiều quốc gia vùng Vịnh khác như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain và Oman, Saudi Arabia từ lâu đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền vì hệ thống thị thực của nước này khiến người lao động nhập cư bị lạm dụng và bóc lột. Cụ thể, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết những người giúp việc gia đình thường bị chủ giam giữ và khóa chặt, buộc phải làm việc hơn 18 giờ một ngày, bị thiếu lương thực, tiền lương, bị lạm dụng thể chất và tình dục.       

Chia sẻ bài viết