Nghiên cứu của tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData (Mỹ) phát hiện, sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc đã khiến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải gánh khoản “nợ ẩn” lên tới 385 tỉ USD.

Một phần công trình còn dở dang của tuyến cao tốc Bar-Boljare (Motenegro) do Trung Quốc đầu tư. Ảnh: WSJ
Phát hiện trên là một phần của báo cáo do AidData công bố, trong đó tổ chức này đã phân tích 13.427 dự án viện trợ và vay nợ trị giá hơn 843 tỉ USD trên 165 quốc gia trong hơn 18 năm tính đến cuối năm 2017.
Trong quá trình đi sâu nghiên cứu các dự án thuộc BRI, AidData nhận thấy rằng 42 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình hiện có mức nợ đối với Trung Quốc vượt quá 10% GDP hàng năm của họ. AidData xác định số nợ 385 tỉ USD nói trên là các khoản vay ngoài khoản vay chính thức của các nước, chiếm gần một nửa khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc để xây dựng đường bộ, đường sắt và nhà máy điện. Theo AidData, “con nợ” của các khoản “nợ ẩn” này chủ yếu là các công ty phục vụ mục đích đặc biệt chứ không phải là các chính phủ sở tại. Trong đó, các nước châu Phi chiếm khoảng 49% khoản cho vay của Trung Quốc. Veda Vaidyanathan, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đặt tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), cho hay hoạt động cho vay của Trung Quốc dành cho khu vực có thể sẽ tăng trở lại, bởi “sự thành công của BRI ở châu Phi là rất quan trọng đối với BRI nói chung”.
Đáng lo ngại khi lãi suất trung bình mà Trung Quốc đưa ra cao hơn 4 lần so với lãi suất của các bên cho vay song phương khác. Báo cáo của AidData cũng ước tính rằng 35% các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề lớn, chẳng hạn như bê bối tham nhũng, vi phạm luật lao động, hiểm họa môi trường và sự phản đối của công chúng, khiến cho chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng này rơi vào “thế kẹt”.
AidData cho biết, Bắc Kinh trước và trong kế hoạch BRI đã nhất quán theo đuổi 3 mục tiêu, gồm biến lượng USD khổng lồ mà các nhà xuất khẩu nước này kiếm được thành các khoản cho vay nước ngoài, giữ cho các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng trong nước luôn “bận rộn” bằng cách theo đuổi các dự án xây dựng ở nước ngoài và đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng như dầu hay ngũ cốc để bù đắp sự thiếu hụt trong nước. “Thế giới đang phát triển đang giúp khắc phục các vấn đề của Trung Quốc” - Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData, nhận định.
Tuy Trung Quốc không chính thức xác định hoặc định lượng các dự án thuộc BRI nhưng các chuyên gia nghiên cứu cho rằng chương trình cho vay nước ngoài của Bắc Kinh vẫn còn rất lớn. Theo AidData, con số này khoảng 85 tỉ USD/năm, gấp đôi so với các cam kết cho vay mà Mỹ hoặc các cường quốc khác đưa ra.
Đến nay, BRI đã phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ đội của các nước, gồm cả yêu cầu xóa nợ từ Montenegro ở châu Âu cho đến Zambia thuộc châu Phi. Được biết, Montenegro đã nhiều lần phải “cầu cứu” Liên minh châu Âu hỗ trợ trả khoản nợ gần 1 tỉ USD từ Trung Quốc nhằm thực hiện dự án xây dựng “đường cao tốc đắt đỏ bậc nhất thế giới”. Trong khi đó, Zambia hiện đang gánh khoản nợ 6,6 tỉ USD từ ít nhất 18 chủ nợ Trung Quốc. Được biết, GDP của Zambia chỉ là 24 tỉ USD.
Thượng Hải khai trương tuyến đường sắt vận tải hàng hóa đầu tiên tới châu Âu
Ngày 29-9, Trung Quốc đã chính thức khánh thành tuyến đường sắt nối giữa thành phố Thượng Hải đến thành phố Hamburg của Đức, đánh dấu dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt xuyên biên giới đầu tiên giữa trung tâm kinh tế - thương mại này của Trung Quốc với châu Âu.
Đoàn tàu Shanghai Express với 50 container hàng hóa gồm quần áo, phụ tùng ô tô, tấm pin Mặt trời, thực hiện hành trình dài hơn 10.000km trong hai tuần để đến Hamburg. Dự kiến, đoàn tàu này sẽ rời Trung Quốc qua cửa khẩu Alataw ở phía Tây Bắc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan trước khi tới Hamburg. Giới chức Trung Quốc khẳng định tuyến vận tải hàng hóa đường sắt này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy giao thương cũng như hợp tác giữa Trung Quốc và Đức nói riêng và giữa Trung Quốc với châu Âu cùng các nước khác dọc theo tuyến đường này nói chung.
|
TRÍ VĂN (Theo WSJ)