08/12/2020 - 11:07

“Nhốt” carbon dưới đáy biển có khả thi? 

Các công ty Úc và Nhật Bản đang bắt tay nghiên cứu kế hoạch thu giữ khí carbon từ những “lò thải” ở châu Á, rồi chôn chúng dưới đáy biển ngoài khơi nước Úc.

Ước tính khả năng lưu giữ khí CO2 dưới đáy biển trên cả thế giới vào khoảng 10.000 tỉ tấn. Ảnh: Equinor

Ước tính khả năng lưu giữ khí CO2 dưới đáy biển trên cả thế giới vào khoảng 10.000 tỉ tấn. Ảnh: Equinor

Ngày 7-12, Công ty Transborders Energy của Úc thông báo dự án deepC Store nhằm thu giữ khí carbon từ các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), các xí nghiệp khác tại xứ chuột túi và thậm chí là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, họ sẽ sử dụng một cơ sở nổi (công nghệ hiện áp dụng trong lĩnh vực khí đốt) để bơm 1,5 triệu tấn CO2/năm xuống đáy biển. Tham gia dự án này còn có các đối tác Tokyo Gas và Kyushu Electric Power của Nhật. Daein Cha, Giám đốc Điều hành Transborders Energy, cho biết việc chôn CO2 dưới đáy biển có thể bắt đầu sau năm 2027.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Úc gần đây xác định thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) là một trong 5 công nghệ ưu tiên sẽ được tài trợ tổng cộng 13,4 tỉ USD để giúp cắt giảm khí carbon. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 40 triệu tấn CO2 được thu hồi ở 21 nhà máy trên toàn cầu, nhưng đây chỉ là một phần trong tổng lượng khí thải 51 tỉ tấn. Úc hiện là một trong những quốc gia xả thải nhiều nhất tính trên đầu người, do bùng nổ ngành xuất khẩu năng lượng.

Lâu nay, các “ông lớn” về sản xuất năng lượng ca ngợi CCS là công cụ kiềm chế dấu chân carbon của họ, song giải pháp này chưa thể triển khai bởi những dự án trọng điểm vấp phải vướng mắc về mặt kỹ thuật và chi phí đắt đỏ. Tổng kinh phí phát triển deepC Store không được tiết lộ, nhưng một dự án tương tự là Northern Lights ở Biển Bắc (do Tập đoàn Equinor của Na Uy dẫn đầu) dự kiến tiêu tốn tới 784 triệu USD, chưa tính chi phí xây dựng các cơ sở thu giữ và hóa lỏng CO2 để vận chuyển. Hồi tháng 9 năm nay, Chính phủ Na Uy cũng quyết định xem xét tài trợ cho dự án Northern Lights. Na Uy cam kết cắt giảm 50-55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030. Cách nay 7 năm, Oslo từng hủy bỏ một dự án CCS đầy tham vọng tại nhà máy lọc dầu Mongstad, do vấn đề chi phí và sự chậm trễ. Phát triển những dự án CCS trên biển có chi phí khoan cao hơn trên đất liền, đồng thời cũng phải lắp đặt các đường ống dẫn mới.

Trước đây, Chính phủ Nhật Bản từng bắt tay thực hiện kế hoạch “chôn” lượng lớn khí thải CO2 thu hồi từ các nhà máy điện xuống đáy biển. Báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản khi đó cho biết quá trình khảo sát tập trung vào 3 khu vực nằm dưới độ sâu 200m dưới đáy đại dương, mỗi năm cho phép chôn hàng triệu tấn CO2. Theo ước tính, khả năng chôn cất khí CO2 tại các vùng biển gần Nhật Bản vào khoảng 150 tỉ tấn.

Nhật xem giải pháp trên là một cách đối phó với lượng khí carbon ngày càng tăng do phải chuyển sang sử dụng nhiệt điện kể từ sau thảm họa kép động đất -  sóng thần đầu năm 2011, khiến toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của nước này tạm ngừng hoạt động.

Gần đây, 2 công ty Nhật Bản là J-Power và NUS thông báo sẽ thực hiện dự án thí điểm cất giữ CO2 sâu trong lòng đất tại Indonesia, bắt đầu từ năm 2021. Theo đó, một đường ống dẫn khí đốt có chiều dài khoảng 4km sẽ được đặt giữa mỏ khí Gundih và địa điểm cất giữ CO2. Tại địa điểm này, một hố sâu khoảng 3,6km được đào xuyên đến tầng ngậm nước để “nhốt” CO2. Được biết, quá trình xử lý khí đốt tự nhiên tại mỏ Gundih sản sinh và thải vào không khí khoảng 300.000 tấn CO2 mỗi năm.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết